Thị trường Trung Quốc: Tiềm năng đan xen rủi ro

Lớn và tiềm năng

Trung Quốc được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ tiềm năng của các mặt hàng thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng. Trong 5 năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh với mức trung bình 21 – 31%/năm, từ 16,8 triệu USD năm 2011 lên 72,6 triệu USD năm 2014.

Số liệu của VASEP cho thấy, trong năm 2015, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu cá tra Việt Nam khi chiếm 10,32% tỷ lệ giá trị, đạt 161,5 triệu USD. Ba nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh là do: Tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang một số thị trường lớn (Mỹ, EU, Mexico, Brazil…) gặp khó nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc; Nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc và doanh nghiệp nước này nhập khẩu để tái xuất sang thị trường Mỹ ngày càng gia tăng; Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu để phát triển bền vững ngành thủy sản trong nước, trong đó có khai thác biển.

thị trường trung quốc tiềm năng đan xen rủi ro

Nguồn: TSVN

Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc không chỉ là thị trường rộng lớn mà còn là quốc gia có nền ẩm thực phong phú. Trong khi đó, cá tra Việt Nam lại là sản phẩm phù hợp để có thể chế biến thành hàng trăm món ăn khác nhau; nên ngành cá tra Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này.

 

Song cũng đầy rủi ro

Đi đôi với việc kim ngạch liên tục tăng trưởng nhanh chóng ở thị trường Trung Quốc, một số chuyên gia, doanh nghiệp thay vì vui mừng đón nhận vẫn còn tỏ ra e ngại về những rủi ro. Đại diện một công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam cho biết: Trung Quốc là thị trường lớn đầy tiềm năng song chưa thực sự ổn định. Một thực tế vẫn tồn tại là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bán hàng vào thị trường Trung Quốc đang tư duy theo lối cũ “sản xuất cái gì bán cái đó” mà không khảo sát nhu cầu thị trường để có thể kiểm soát giá cả và đảm bảo lượng tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các quy định của Trung Quốc cũng khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bối rối. Chẳng hạn, quy định dư lượng Photphat trong cá tra. Hiện, EU đang quy định hàm lượng này không vượt quá 4%, tuy nhiên phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thực sự mở cửa cho cá tra Việt Nam, nên xuất khẩu sang quốc gia này bằng đường biển vẫn phải chịu mức thuế khá cao, lên đến 13% và chịu kiểm soát sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp vẫn cảm thấy lúng túng, e ngại khi xuất khẩu sang thị trường này, theo đó cũng chưa coi đây là thị trường xuất khẩu mục tiêu.

Trước tình hình xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính đang gặp khó thì việc chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nói riêng, ASEAN và khu vực châu Á nói chung là cần thiết bởi đây là những thị trường lớn, đầy tiểm năng. Song để phát triển ổn định và bền vững, cần phải có những chiến lược lâu dài, chú trọng đến vấn đề chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là giữ gìn thương hiệu cá tra Việt Nam.

>> Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2016 đạt 14,1 triệu USD. Dự báo, trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng 20 – 30% so năm 2015.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *