Xuất khẩu tôm có thể bứt phá!
Có chuyển biến
Quý I/2016, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản khan hiếm nguyên liệu, hoạt động với công suất 30 – 50%, đơn vị nào chủ động tốt hơn thì công suất có thể tới 70%, tuy nhiên không có nhiều doanh nghiệp duy trì được mức công suất này. Nhiều giải pháp tình thế đã được áp dụng, trong đó có việc tăng nhập khẩu tôm từ nước ngoài (chủ yếu từ Ấn Độ) để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu. Thống kê của Hải quan cho thấy, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý I/2016 đã tăng gần 8% so cùng kỳ năm 2015. Nếu giá tôm ổn định, nguồn nguyên liệu được cải thiện tốt hơn trong những tháng còn lại và chúng ta biết tận dụng tối đa lợi thế của mình, có thể tin rằng xuất khẩu tôm năm nay sẽ tăng trưởng khả quan.
Về vấn đề giá, thị trường tôm thế giới năm 2016 khó có thể giảm thêm nữa bởi đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Năm 2013, giá tôm các loại tăng kỷ lục do nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới, điển hình là Thái Lan, Trung Quốc và ngay cả Việt Nam trải qua dịch bệnh EMS (Hội chứng tôm chết sớm). Đến năm 2014, nhiều dự báo đưa ra ngay từ đầu năm cho rằng giá sẽ hạ nhiệt, tuy nhiên, giá tôm vẫn liên tục tăng khiến một số báo cáo thị trường phải thừa nhận giá tôm tăng ngoài sức tưởng tượng. Chưa bao giờ giá tôm trung bình vượt ngưỡng 13 USD/kg như năm 2014.
Tiêu thụ tôm giảm nhanh khi giá tăng quá cao, cùng với suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị khiến nhu cầu tiêu thụ tôm tại nhiều thị trường lớn lao dốc đẩy giá tôm giảm 10 – 20% trong năm 2015. Xuất khẩu tôm Việt Nam cũng vì thế giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Năm 2016, bắt đầu với giá tôm ở xuất phát điểm thấp. Thống kê từ Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) cho thấy, giá trung bình tôm nhập khẩu vào Nhật Bản trong quý I năm nay giảm từ 12 USD/kg cùng kỳ năm 2014 xuống còn 10 USD/kg. Tại Mỹ, giá trung bình tôm nhập khẩu cũng giảm từ 13 USD/kg xuống 9,3 USD/kg.
Nâng cao khả năng cạnh tranh
Việt Nam đang “thua” về giá so với nhiều nước cung cấp khác như Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan. Giá tôm Việt Nam vẫn cao hơn so tôm Ấn Độ hay Thái Lan 1 – 2 USD/kg do nhiều bất cập tồn tại trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ thị trường thế giới, Việt Nam có lợi thế hơn các nước khác ở phân khúc hàng chế biến.
Ảnh: CTV
Xu hướng thị trường hiện nay cũng ngày càng hướng tới sử dụng các sản phẩm tôm đã qua chế biến. Năng lực chế biến hiện nay của chúng ta đủ để đáp ứng thị trường thế giới. Thống kê của ITC cho thấy, Việt Nam là nước có tỷ trọng xuất khẩu hàng giá trị gia tăng cao nhất. Nhóm hàng tôm đã qua chế biến chiếm tới gần 40% tổng xuất khẩu; trong khi, hàng chế biến chỉ chiếm 3% tổng xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Indonesia 21,7% và Ecuador chỉ hơn 1%.
Báo cáo mới nhất của ngân hàng Rabobank cho thấy, xu hướng tiêu thụ tôm chế biến ở châu Âu gia tăng. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của mình để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường cũng như gia tăng thị phần so với các nước khác.
>> Ngoài lợi thế về tôm thẻ chân trắng, Việt Nam vẫn dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú; nên tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong việc cung ứng nguồn tôm cho thế giới là rất lớn nếu chúng ta có thể giải quyết tốt “bài toán” về hạ giá thành sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tôm Việt Nam sẽ “thắng thế” trong cạnh tranh trên thương trường quốc tế. |
Bình luận gần đây