Nafiqad yêu cầu Úc kiểm tra tin cá điêu hồng Saigon Food bị cảnh báo

Nafiqad mới đây đã chính thức có văn bản gửi đến bộ phận thực phẩm nhập khẩu thuộc Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc, cho rằng ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo của đơn vị này (nhận qua Email) vào ngày 20/5/2016 về lô hàng cá điêu hồng đông lạnh của Saigon Food bị nhiễm kháng sinh Enrofloxacine, Nafiqad đã yêu cầu Saigon Food thực hiện truy xuất lô hàng, điều tra nguyên nhân, thiết lập và áp dụng các biện pháp khắc phục.

Tuy nhiên, theo Nafiqad, qua báo cáo của Saigon Food cho thấy đơn vị này không sản xuất và xuất khẩu lô hàng cá điêu hồng đông lạnh nào vào thị trường Úc và cũng không hề có quan hệ thương mại với nhà nhập khẩu Always Fresh Trading Co., Ltd., đơn vị nhập khẩu bị cáo buộc đã nhập hàng từ Saigon Food.

Nafiqad chính thức yêu cầu phía Úc kiểm tra lại thông tin cáo buộc Saigon Food xuất khẩu cá điêu hồng vào quốc gia này và bị cảnh báo nhiễm kháng sinh. Trong ảnh là cá điêu hồng nuôi bè của nông dân Tiền Giang (ảnh minh họa).  

Thực tế, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food, cũng đã chính thức lên tiếng khẳng định doanh nghiệp hoàn toàn không sản xuất và xuất khẩu lô hàng cá điêu hồng đông lạnh nào vào Úc và cũng không có quan hệ thương mại nào với đối tác như cáo buộc của phía Úc.

“Do vậy, Nafiqad trân trọng đề nghị quý cơ quan (phía Úc) cung cấp thêm thông tin (mã số doanh nghiệp, mã số lô, số chứng thư nếu có) liên quan đến lô hàng này để phục vụ cho hoạt động truy xuất”, theo văn bản gửi đến phía Úc.

Nafiqad cũng có ý kiến với phía Úc liên quan đến việc Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Ngô Bros và Công ty thủy sản Minh Phú-Hậu Giang xuất khẩu các lô hàng tôm đông lạnh vào thị trường Úc bị cảnh báo do nhiễm vi sinh vượt mức cho phép.

Theo Nafiqad, sau khi đơn vị này có yêu cầu điều tra nguyên nhân đối với lô hàng bị cảnh báo, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục, kết quả thẩm tra do Nafiqad thực hiện đối với hai doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo cho thấy việc điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục là phù hợp.

Chính vì vậy, Nafiqad cũng đã có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc xem xét, dỡ bỏ chế độ kiểm tra tăng cường đối với các lô hàng thủy sản được sản xuất bởi hai doanh nghiệp nêu trên.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *