EAEU quan tâm đến thủy sản Việt Nam?
Tổng quan thương mại thủy sản
Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) gồm: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EAEU 8 tháng đầu năm 2016 đạt 51,87 triệu USD; trong đó, thị trường Nga giữ vị trí hàng đầu với 51,5 triệu USD, Belarus 310.053 USD và Kazakhstan là 3.217 USD.
Đối với hàng nhập khẩu, trong EAEU, Việt Nam chỉ nhập khẩu thủy sản từ Liên bang Nga. Tổng giá trị nhập khẩu thủy sản chính ngạch của Việt Nam từ thị trường này đạt 36,46 triệu USD năm 2015 và 16,02 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2016
Thị trường Nga rất chú trọng đến vấn đề chất lượng đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu – Ảnh: Nofima
Nhận diện các thị trường
Liên bang Nga
Trong EAEU, Nga là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam với trị giá 51,5 triệu USD 8 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, những năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này còn gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như, một số doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá khô sang đây rất khó, do Nga yêu cầu phải đáp ứng được quy định riêng, chứ không đồng ý với chứng nhận do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp; hay việc giới hạn danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Nga…
Mặc dù sản lượng thủy sản của Nga tăng trưởng mạnh nhưng mức tiêu thụ bình quân trên đầu người chỉ ở mức 14 kg/người (năm 2016), ít hơn 6 kg so khuyến cáo mà Bộ Y tế Nga đưa ra. Tuy nhiên, dự báo dài hạn vẫn tích cực và cho thấy, mức tiêu thụ thủy sản ở Nga sẽ cao như Nhật Bản.
Cộng hòa Belarus
Với hơn 10 triệu dân, Belarus tuy không phải là thị trường tiêu dùng lớn, nhưng lại có tiềm năng bởi nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản hiện vẫn phải nhập khẩu qua nước thứ ba. Năm 2015, Belarus nhập khẩu 342,1 triệu USD thủy sản, tăng 34,9% so cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Nga, Na Uy, Latvia, Iceland… Tùy viên thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam, Kirill Baturo cho biết, Belarus rất quan tâm tới việc nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng, nhà nhập khẩu Belarus chưa quen với các thương hiệu Việt, do đó giai đoạn đầu nên xem xét khả năng chế biến, đóng gói sản phẩm Việt tại Belarus và dùng các thương hiệu của nước nhập khẩu.
Cộng hòa Kazakhstan
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (trong đó 80% là cá tra) sang Kazakhstan đạt 3.217 USD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được Chính phủ hai nước đánh giá chưa xứng với tiềm năng và mong muốn.
Cộng hòa Armenia
Armenia có tiềm năng sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng điện tử cao cấp, đồng, dây cáp, thuốc lá, sữa, thịt… và có nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc, đường, sản phẩm công nghệ cao, nhiên liệu, thủy hải sản… Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Armenia còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này, theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh để tăng xuất khẩu sang Armenia.
Cộng hòa Kyrgyzstan
Ngành thủy sản Kyrgyzstan, gồm cả khai thác và nuôi trồng đều mấy không phát triển. Năm 2012, ngành nuôi trồng thủy sản của Kyrgyzstan đóng góp 66% tổng sản lượng 142 tấn cá; nhưng năm 2003 thì hoàn toàn sụp đổ, chỉ chiếm 12% trong tổng số 26 tấn cá. Dĩ nhiên, việc nhập khẩu thủy sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước là chắc chắn. Hiện, Kyrgyzstan nhập khẩu nhiều mặt hàng như khoáng sản, thiết bị giao thông vận tải, máy móc thiết bị, thực phẩm, thủy sản… từ nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức…
Bình luận gần đây