Khắc khoải Giá Lồng Ðèn
Sau vài giờ thả lưới, hai cha con ông Nguyễn Trần Hận bắt được nhiều loại hải sản có giá trị.
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Huỳnh Minh Tấn vượt khoảng 4 km đường bộ, sau đó ngồi vỏ máy thêm 20 phút nữa, chúng tôi mới đến vàm cửa Giá Lồng Ðèn. Người lái vỏ Trương Chí Công nhanh tay tắt máy chỉ về phía biển: “Ngày xưa khu vực này vui lắm, mỗi tháng cứ vào ngày mùng 9 và 24, người dân các nơi tập trung về đây như mở hội”.
Cửa biển Giá Lồng Ðèn hiện nay một bên là ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, một bên là xã Nguyễn Huân. Cách đây hơn chục năm, Giá Lồng Ðèn là điểm đến lý tưởng của người dân trong huyện để vui chơi giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc.
Ðã qua hơn 15 năm nhưng mỗi khi nhắc về cửa biển Giá Lồng Ðèn, vợ chồng anh Ða, chị Hương, ấp Tân Bình, xã Tân Ðức không sao quên được, bởi nơi này là một trong những ký ức đẹp một thời khi anh chị mới quen nhau. Anh Ða nhớ lại, hồi đó dù bận bịu đến đâu thì vào ngày 9 và 24 cũng tranh thủ chở chị Hương trên chiếc vỏ máy ra Giá Lồng Ðèn. Hai ngày này nước kém, cửa Giá Lồng Ðèn hiện lên một bãi cát dài và rộng, rất đẹp.
Gắn bó với nơi đây hơn 41 năm, ông Nguyễn Trần Hận không khỏi nuối tiếc mỗi khi nhắc đến Giá Lồng Ðèn. Chỉ tay ra con kinh trước nhà, ông Hận nhớ lại: “Hồi đó vào ngày 9 và 24 mỗi tháng, hai bên con kinh này vỏ máy đậu chen chúc nhau kéo dài 3-4 km. Người dân tụ họp về đây vừa tắm biển, đá bóng, chơi bóng chuyền và nhiều trò chơi khác trên bãi cát. Hàng quán mọc lên, xuồng ghe chở hàng ra bán tấp nập như mở hội. Huyện cũng đã xây dựng 3 dãy nhà để cho người dân thuê buôn bán và cung cấp các dịch vụ khác.
Thế nhưng, do tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ nên chỉ hình thành được vài năm, tại cửa Giá Lồng Ðèn xảy ra sự cố đáng tiếc. Ðó là trường hợp một phụ nữ đuối nước do thuỷ triều lên quá nhanh. Vậy là hoạt động du lịch nơi đây dần dần đi vào quên lãng. Mất đi nguồn thu đáng kể từ du lịch, người dân lại bám biển để mưu sinh.
Hiện nay, cửa Giá Lồng Ðèn còn khoảng 36 hộ dân, chủ yếu tập trung phía ấp Thuận Tạo của xã Tân Tiến. Trong những năm gần đây, trước tình hình bờ biển sạt lở ngày một nghiêm trọng, họ được di dời vào sâu bên trong cách vàm khoảng 2 km, hình thành một làng chài nhỏ, sống nhờ trên khu vực đất rừng phòng hộ. Cuộc mưu sinh hiện nay chủ yếu dựa vào lộc biển từ nghề lưới, lú và đăng các loại giống cua, cá kèo… “Không đất đai, không nghề nghiệp thì biết làm gì khác hơn ngoài bám biển. Có lúc biển cũng hào phóng, có khi thì vô cùng khắc nghiệt”, ông Hận trần tình.
Khó khăn hiện tại càng làm người dân nhớ và nuối tiếc quá khứ đã qua. Sự nuối tiếc luôn đi kèm với mong ước, họ mong ước một ngày nào đó lại được nhìn thấy từng đoàn vỏ máy nối đuôi nhau về đây, lại được thấy cả chục người tranh nhau trái bóng trên bãi cát,… Trên địa bàn xã Tân Tiến hiện có 3 cửa biển, ngoài Giá Lồng Ðèn còn có Ðầu Già, Bồ Cộ, mỗi cửa cách nhau hơn 1 km. Tiếp giáp với Giá Lồng Ðèn còn có cửa Hố Gùi của xã Nguyễn Huân. Tất cả tạo nên hệ thống cửa biển liên hoàn đầy tiềm năng để phát triển du lịch.
Bên cạnh các cửa biển liên hoàn với bãi cát dài và rộng, khu vực này còn được thiên nhiên ban tặng nhiều loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Hoạt động khai thác của người dân, chủ yếu ven bờ bằng nghề lưới, lú sẽ là điểm đến vô cùng hấp dẫn cho loại hình du lịch trải nghiệm trên biển. Ðặc biệt, theo ông Huỳnh Minh Tấn, cửa Giá Lồng Ðèn còn là nơi có nhiều loại cá như cá vồ biển, cá dứa, nên nếu phát triển du lịch kết hợp với câu cá trên biển cũng hứa hẹn rất thu hút du khách.
Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ phát triển khá nhanh, đường về với khu vực Giá Lồng Ðèn không còn khó khăn như trước, nếu được đầu tư bài bản, nơi đây hứa hẹn sẽ phát huy tiềm năng du lịch. Ông Tấn mong mỏi, thời gian tới Giá Lồng Ðèn nhận được sự quan tâm đầu tư, khơi dậy tiềm năng sẵn có, không chỉ để cải thiện đời sống người dân trong khu vực mà còn góp phần bảo vệ, phát triển rừng cũng như khai thác bền vững tài nguyên biển./.
Bình luận gần đây