Myanmar: Chiến lược phát triển ngành rô phi

Người dân Myanmar lựa cá rô phi giống thả nuôi  Ảnh: USSEC

Người dân Myanmar lựa cá rô phi giống thả nuôi Ảnh: USSEC

Hợp tác

Cuối năm 2015, Myanmar đã thực hiện dự án thu hút sự tham gia của nhiều nông dân và lãnh đạo đầu ngành thủy sản để tổ chức các chuyến khảo sát mô hình nuôi cá rô phi của nước láng giềng, khởi đầu là Việt Nam. Tới năm 2016, đoàn Myanmar sang tham quan mô hình của Philippines và dự kiến năm nay sẽ tổ chức tham quan mô hình của Indonesia. Trong tháng 8 này, USSEC cũng tổ chức các khóa đào tạo nuôi cá rô phi, cùng hội thảo thị trường nhằm thu hút khách hàng trong khu vực và quốc tế tới Myanmar. Tại thị trường nội địa, cá rô phi đang dần thay thế vị trí của một số loại thủy sản truyền thống như cá chép và trở thành món ăn phổ biến nhất trong các nhà hàng.

Đầu năm 2017, USSEC đã tài trợ một khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ nhân giống cá rô phi cho các chủ trại giống tại Myanmar; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tại Naung Thar, thành phố Bago trong ao rộng 0,2 và 0,4 ha, mật độ 10.000 con/0,4 ha. Cá được ăn cám công nghiệp, các ghi chép về chất lượng nước, sử dụng thức ăn và tỷ lệ tăng trưởng được thực hiện đều đặn. Thay thức ăn cá tạp bằng cám công nghiệp dạng nổi là một bước chuyển biến lớn trong ngành nuôi cá rô phi tại Myanmar, giúp người nuôi đạt năng suất cao hơn. Ngoài ra, USAID cũng phối hợp Tổng cục Thủy sản Myanmar và Hiệp hội Nghề cá Myanmar đánh giá nỗ lực phát triển nghề thủy sản bền vững, cung cấp cơ sở đánh giá chất lượng nước, phát hiện dịch bệnh, hỗ trợ cá giống và cá bố mẹ.

Con giống

Tháng 8/2016, Cơ quan Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài (FAS), trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã mở văn phòng thường trực tại Đại sứ quán Mỹ ở Yangoon. Nắm bắt cơ hội đó, Tổng cục Thủy sản Myanmar và Hiệp hội Nghề cá Myanmar đã bắt tay với USSEC thực hiện các chương trình nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tại Myanmar, cũng là cách để USSEC đẩy mạnh tiêu thụ khô đậu nành và đậu hạt Mỹ tại thị trường này.

Giống cá rô phi Mozambique (Oreochromis mossambicus), hay rô phi Java đã được giới thiệu tới Burma từ những năm 1950 nhưng không được tiêu thụ nhiều nên hoạt động nuôi rời rạc nhỏ lẻ. Cuối những năm 1990, giống cá rô phi cải tiến từ dòng rô phi sông Nile bắt đầu được biết đến. Năm 2004, nhiều trại giống và trại nuôi xuất hiện tại Yangon và Ayeyarwady. 

Cách nuôi

Hiện, phần lớn cá rô phi tại Myanmar được nuôi ghép trong ao với cá chép Trung Quốc và Ấn Độ, nuôi ghép cá tra hoặc một số giống cá chép bản xứ. Cơ quan thủy sản không khuyến khích người dân nuôi ghép cá rô phi với tôm vì trại nuôi tôm với mật độ thưa không thích hợp nuôi ghép cá.

Hiện, Chính phủ Myanmar đang tính đến biện pháp cho phép người dân nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước nhân tạo. Tuy nhiên, cho tới mùa hè 2017, phương thức nuôi lồng chưa được phép ở những nguồn nước tự nhiên. Tới nay số lượng lồng nuôi rô phi tại Myanmar khá khiêm tốn. Dù vậy, Chính phủ nước này vẫn nỗ lực đẩy mạnh nghề nuôi cá rô phi và đã hợp tác với WorldFish giới thiệu cá rô phi dòng GIFT. Cá rô phi dòng GIFT bố mẹ được nhập khẩu và kiểm dịch kỹ lưỡng tại trung tâm giống dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Một số hộ nuôi tư nhân cũng nhập khẩu cá rô phi giống từ Thái Lan nhưng những năm gần đây, Chính phủ thắt chặt việc nhập khẩu rô phi giống tại nước này do lo ngại virus TiLV.

Hiện, năng suất cá rô phi của Myanmar đạt 45.000 tấn/năm, phần lớn phục vụ thị trường nội địa. Nhưng với những chính sách phát triển nói trên, ngành cá rô phi Myanmar sẽ tiếp tục phát triển để trở thành một trong những thị trường xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới. 

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *