Hội chợ cá tra Việt Nam: Chú trọng thị trường nội địa và Trung Quốc
Sản phẩm giá trị gia tăng – cá tra cắt thỏi Ảnh: CTV
Đây là một trong những mục tiêu mà Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam hướng đến”, đó là chia sẻ của ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản với Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam trong cuộc trò chuyện gần đây.
Thưa ông, ông có thể giới thiệu sơ qua về kế hoạch tổ chức Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam sắp tới?
Từ ngày 6 – 8/10/2017, Bộ NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP và các đơn vị thuộc Bộ tổ chức Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Hội chợ chuyên ngành hàng thủy sản đầu tiên do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội. Hội chợ sẽ tập trung giới thiệu các sản phẩm cá tra, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, các sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất cá tra và sản phẩm thủy đặc sản khác. Dự kiến, Hội chợ lần này thu hút sự tham gia của trên 100 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra và các sản phẩm thủy sản chủ lực khác. Bên cạnh đó, cũng sẽ có sự góp mặt của các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng… liên quan đến sản xuất chế biến cá tra và sản phẩm thủy sản khác.
Về sản phẩm cá tra giới thiệu tại Hội chợ, sẽ có các mặt hàng như fillet, cắt khúc, fillet cuộn bông đông lạnh, nguyên con và các sản phẩm giá trị gia tăng khác… Bên cạnh sản phẩm cá tra, còn có các mặt hàng khác như tôm đông lạnh, cá ngừ cắt lát, cá ngừ hộp, các thủy sản, đặc sản khác của một số doanh nghiệp thủy sản các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, còn có sản phẩm nước mắm của một số doanh nghiệp uy tín.
Tại Hội chợ lần này, những sản phẩm cá tra trưng bày phải được ghi đầy đủ tem nhãn, dễ dàng truy xuất được nguồn gốc để tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng. Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục kết nối để mở rộng kênh phân phối đến người tiêu dùng qua các Trung tâm bán buôn, bán lẻ ở khu vực phía Bắc; từ đó nâng cao sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước tiềm năng với dân số 92 triệu dân.
Trong khuôn khổ Hội chợ, còn diễn ra Khu ẩm thực cá tra nhằm giới thiệu cho khách tham quan, người tiêu dùng các món ăn được chế biến từ loài cá này với sự tham gia của các đầu bếp nổi tiếng trong nước, quốc tế. Ngoài ra, còn có hai hội thảo chuyên đề: “Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra trong bối cảnh hội nhập” và “Phát triển sản phẩm cá tra gắn với thị trường tiêu dùng nội địa”.
Mục tiêu của Hội chợ lần này là gì, thưa ông?
Cá tra là sản phẩm quốc gia của Việt Nam, đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU. Gần đây, các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông, Brazil và Mexico có sức tăng trưởng nhanh cho thấy tính đa dạng, sự ưa thích rộng rãi đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Tại Việt Nam, cá tra là sản phẩm nhiều lợi thế, được Chính phủ đưa vào Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Theo đó, mục đích chính của Hội chợ lần này là quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường trong nước nói chung, thị trường phía Bắc nói riêng và mở rộng thị trường quốc tế, khu vực, trong đó chú trọng đến thị trường Trung Quốc. Tăng cường hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa nhà quản lý – doanh nghiệp – người sản xuất – người tiêu dùng. Đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, hạ giá thành, nâng cao lợi ích của người sản xuất. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, góp phần đưa sản phẩm cá tra thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao. Giúp các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ cá tra củng cố, khai thác thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, từ đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người nuôi trồng thủy sản. Thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất với quy mô rộng…
Như ông trao đổi, Hội chợ lần này là cơ hội để xúc tiến cá tra Việt Nam đến thị trường Trung Quốc. Vậy ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tại thị trường này?
Trong khi các thị trường chính có dấu hiệu giảm rõ rệt thì những tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường vẫn Trung Quốc liên tục tăng cao. Kể từ tháng 2/2017, Trung Quốc chính thức trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam. Kết quả này nằm trong dự đoán, bởi trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng 24,2 – 88,7%/năm. Trong đó, năm 2016 đạt trên 300 triệu USD, tăng gần gấp đôi so năm 2015 và gấp 4,17 lần so năm 2010.
Theo VASEP, tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) đạt 225,7 triệu USD, tăng 45,8% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này phần nào giúp xuất khẩu cá tra Việt Nam duy trì kim ngạch, đồng thời, ổn định giá cá tra trong nước. Như vậy có thể thấy, Trung Quốc tiếp tục là điểm đến và thị trường chuyển hướng tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Cá tra Việt Nam vẫn thường bị truyền thông quốc tế “bôi nhọ”, vậy Hội chợ lần này có phải là cơ hội để Việt Nam quảng bá hơn nữa về hình ảnh cá tra Việt Nam trên trường quốc tế?
Nói về chiến lược chống lại truyền thông bôi nhọ đối với cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới, Tổng cục Thủy sản và VASEP đã xây dựng một kế hoạch hành động bài bản. Còn mục đích chính của Hội chợ lần này một phần là để giới thiệu với khách hàng nội địa, đặc biệt là khách hàng vùng phía Bắc và các tỉnh lân cận như Trung Quốc hiểu sâu hơn về chất lượng, khả năng cung cấp của ngành cá tra Việt Nam; bởi hiện nay có rất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng có thể cung cấp ra thị trường. Thứ hai, thông qua Hội chợ lần này có thể giới thiệu, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp Việt Nam với khách hàng phía Bắc, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Tính đến hết tháng 8/2017, đã có 36 doanh nghiệp đăng ký tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ với 64 gian hàng, trong đó có 30 gian hàng là sản phẩm cá tra. Một số doanh nghiệp khác đã nhận lời và sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký trong thời gian tới. |
Bình luận gần đây