Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục nỗ lực dù bị thẻ vàng
XK cá ngừ tươi sống/đông lạnh/khô giảm 16%, trong khi XK các sản phẩm cá ngừ khác đều tăng so với cùng kỳ năm 21017. Thăn/philê cá ngừ đông lạnh (thuộc mã HS 0304) tiếp tục là sản phẩm XK nhiều nhất của Việt Nam chiếm 49%, tiếp đến là các sản phẩm cá ngừ đóng hộp chiếm 28%.
Tốp 8 thị trường XK cá ngừ chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Mexico và Trung Quốc chiếm 88% tổng giá trị XK cá ngừ. Phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt, trừ Mỹ, Canada và Mexico.
Mỹ
Sau sự tăng trưởng trong tháng 1, XK cá ngừ sang Mỹ lại giảm. Trong 3 tháng đầu năm nay XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 40,8 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục là thị trường XK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong quý 1/2018, chiếm 30%.
Trong quý này, mặc dù XK cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang Mỹ tăng 164% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do sản phẩm này chỉ chiếm 8% tổng giá trị XK nên không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm trong XK các dòng sản phẩm khác. Cụ thể, XK thăn/philê cá ngừ đông lạnh chỉ đạt 24 triệu USD, giảm 12%. XK cá ngừ đóng hộp đạt 13 triệu USD, giảm 11%. Còn XK cá ngừ tươi sống/ đông lạnh/ khô đạt 534 nghìn USD, giảm 58%. Trong quý này, thăn/philê cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang đây.
EU
XK cá ngừ của Việt Nam sang EU vẫn tăng. Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang đây trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 34,5 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng XK đây đang giảm dần qua từng tháng.
XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang đây trong giai đoạn này đều tăng, trừ cá ngừ đóng hộp. Thăn/philê cá ngừ đông lạnh nguyên liệu mã HS0304 vẫn là sản phẩm XK chủ lực sang đây, chiếm 40% tổng giá trị XK. Đáng chú ý nhất trong giai đoạn này, XK cá ngừ chế biến khác sang đây tăng đột biến so với cùng kỳ, tăng 332% đạt 6 triệu USD.
Điều này cho thấy mặc dù bị cảnh báo thẻ vàng nhưng giai đoạn này, XK cá ngừ của Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Nhật Bản
Ba tháng đầu năm nay, XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng không ổn định. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, giá trị XK sang đây đều tăng trưởng tốt. Giá trị XK cá ngừ sang Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm nay đạt 6,2 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017.
XK cá ngừ tươi sống/đông lạnh/khô sang Nhật Bản mặc dù giảm 95% so với cùng kỳ nhưng do sản phẩm này chiếm tỷ trong thấp nên không ảnh hưởng tới tổng giá trị XK sang đây. XK các mặt hàng cá ngừ khác của Việt Nam đều tăng trưởng tốt.
Qua kết quả XK cá ngừ trong 3 tháng qua cho thấy, mặc dù bị thẻ vàng nhưng các DN cá ngừ Việt Nam đang rất nỗ lực trong hoạt động XK. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, XK cá ngừ có nhiều khả năng sẽ giảm do tác động rõ rệt hơn của quy định này.
Bình luận gần đây