Xuất khẩu tôm sang EU tăng 26% trong 7 tháng đầu năm nay

XK sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Anh, Đức) 7 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 46%, 20% và 36%.

Hà Lan và Anh là 2 thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Nửa đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Hà Lan đạt trên 107 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hà Lan, chiếm 22% tổng giá trị NK của thị trường này trong năm 2017. Ấn Độ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 15,1%. Trên thị trường Hà Lan, tỷ trọng giá trị tôm Việt Nam ngày càng tăng từ 11,5% năm 2015 lên 22,5% năm 2017 trong khi tỷ trọng tôm Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường này) ngày càng giảm từ 18% năm 2015 xuống 15% năm 2017.

Từ vị trí thứ 2 về NK tôm Việt Nam trong khối EU, bắt đầu từ tháng 9/2017, Hà Lan vươn lên dẫn đầu khối về NK tôm Việt Nam và duy trì vị trí số 1 đến nay. Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam XK sang Hà Lan, tôm chân trắng chiếm tỷ lệ cao nhất 86%, tiếp đó tôm sú chiếm 10% và tôm loại khác chiếm 4%.Hà Lan ngày càng có nhu cầu cao với các sản phẩm tôm chân trắng chế biến (HS 16) từ Việt Nam.

Trong khối EU, Anh là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Hà Lan, chiếm 23% tổng XK tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 5,7% tổng XK tôm Việt Nam đi tất cả các thị trường. Nửa đầu năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Anh đạt 93 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 năm trở lại đây, XK tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục từ 114,6 triệu USD năm 2014 lên 210,6 triệu USD năm 2017, tăng gần 84%. XK tôm Việt Nam sang Anh có xu hướng ngày càng tăng do Anh đẩy mạnh NK tôm nước ấm nhờ giá phải chăng để thay thế cho tôm nước lạnh. Giá tôm nước lạnh ngày càng tăng do các nước khai thác liên tục cắt giảm hạn ngạch khiến sản lượng sụt giảm.

XK tôm Việt Nam sang thị trường EU vẫn được hưởng ưu đãi thuế GSP và được lợi khi 2 đối thủ cạnh tranh (Ấn Độ và Thái Lan) đều giảm mạnh XK sang thị trường này. Tuy nhiên, Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh với Ecuador trên thị trường EU. Tôm Ecuador có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn tôm Việt Nam về giá, nguồn cung ổn định.

Thị trường EU ngày càng tăng nhu cầu đối tôm hấp nguyên liệu để phục vụ chế biến và tái XK. Bên cạnh đó, các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về trách nhiệm với môi trường, xã hội cũng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Việt Nam nên tập trung tăng số lượng trại nuôi được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của châu Âu để thúc đẩy tăng trưởng XK sang thị trường này.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *