Mạnh tay thiết lập lại ngành cá tra
Ngành cá tra mang về trên 2 tỷ USD giá trị xuất khẩu
Thành công ngoài mong đợi
Đầu năm, hôm 16/3/2018, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành hàng cá tra năm 2018 do Bộ NN&PTNT tổ chức ở TP Cần Thơ, đặt mục tiêu xuất khẩu 2 – 2,2 tỷ USD khiến không ít đại biểu dè đặt. Bởi năm 2017, khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đến 138 thị trường chỉ đạt gần 1,8 tỷ USD. Lúc đó, thị trường Mỹ theo chiều hướng giảm mà còn đặt ra những thách thức lớn: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố POR13, với 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá cao kỷ lục, từ 3,87 – 7,74 USD/kg và Mỹ sẽ thực thi đầy đủ quy định của Farm Bill từ ngày 1/9/2017. Trong mước, giá cá tra nguyên liệu leo thang. Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Dương Nghĩa Quốc dù tin tưởng nhiều doanh nghiệp sẽ vượt qua bởi đã xây dựng được chuỗi sản phẩm chất lượng cao nhưng cũng đề nghị cả ngành cá tra phải xem lại mình và thay đổi để phát triển kịp theo nhu cầu của thị trường.
Cả ngành cá tra nỗ lực và các tháng nửa đầu năm 2018, số liệu hải quan, xuất khẩu bình quân 200 triệu USD, tăng hơn 30% so năm 2017. Tháng 10 đạt 255 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng lên trên 1,8 tỷ USD, tăng 24% so cùng kỳ năm trước. Sang tháng 11, tiếp tục tăng 32%, đạt 212 triệu USD và đưa kim ngạch 11 tháng vượt 2 tỷ USD. VASEP phấn khởi, cả năm 2018, cá tra xuất khẩu sẽ đạt 2,2 – 2,3 tỷ USD.
Những tín hiệu khả quan tiếp tục tăng lên ở thị trường Mỹ khi kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 được công bố thấp hơn so POR13. POR14 áp dụng cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 – 31/7/2017, với hai bị đơn bắt buộc chỉ 0 USD/kg và 1,37 USD/kg, các bị đơn tự nguyện 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Bên cạnh, Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã công nhận và đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ. Tính đến hết tháng 11/2018, cá tra xuất sang Mỹ đạt 494,3 triệu USD, tăng 54,6% so cùng kỳ năm trước, trở lại vị trí dẫn đầu chiếm 24,2% tổng kim ngạch.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe đánh giá nguyên nhân chính dẫn tới kỷ lục năm nay là các sản phẩm có giá trị cao. Khi giá nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chế biến các sản phẩm có giá trị cao để xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc thường được coi là dễ tính, các doanh nghiệp cũng chú trọng chế biến xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao để đưa vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Còn thị trường EU sau mấy năm suy giảm, được các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi với sản phẩm cá tra đạt chứng nhận quốc tế. Đến hết tháng 11/2018, cá tra sang EU đạt 217,8 triệu USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang EU thường cạnh tranh bằng giá rẻ thì nay tập trung vào chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Thay đổi từ cá giống
Nhận định của VASEP, thị trường cá tra toàn cầu còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong những năm tới. Thông tin của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI), cá tra đang đứng thứ 10 trong số những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất. Cá tra có hàm lượng chất béo thấp, protein cao, giàu axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe nên còn được dùng cho nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, thực phẩm chức năng. Hiện nhiều nước đã nuôi cá tra, sản lượng cả thế giới năm 2018 khoảng 2,4 triệu tấn; trong đó, Việt Nam chiếm khoảng 50% và vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất.
Theo ông Trương Đình Hòe, năm 2019, dự báo vẫn thuận lợi cho xuất khẩu cá tra, nhất là thị trường đã có sự định hình khá rõ nét về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp nước ta khi chế biến cá tra đã tính được thị trường và vẫn liên tục cải tiến theo hướng phát triển thành sản phẩm cao cấp có thương hiệu.
Tập đoàn Sao Mai (An Giang) khá thành công đưa sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ và Phó Tổng Giám đốc Trương Vĩnh Thành bày tỏ chiến lược sắp tới, giữ vững thị trường đã có, phát triển mạnh thị trường châu Á. Còn bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) thì “kiên quyết nói không với sản phẩm chất lượng thấp”.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Dương Nghĩa Quốc cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của ngành cá tra là chất lượng cá giống thấp do giống bố mẹ chưa đảm bảo và dịch bệnh, muốn nuôi được 1 con cá thành phẩm phải mất 3 con giống. Tổng cục Thủy sản cũng thừa nhận, chất lượng giống cá tra ngày càng giảm khiến tỷ lệ hao hụt nuôi thương phẩm cao, trong năm 2018 còn xảy ra dịch bệnh ở giai đoạn ương cá giống.
Cho nên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân.
Trong bối cảnh đó, Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao của Công ty CP Việt -Úc tại ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) được chính thức khánh thành vào ngày 14/12. Được biết, chương trình chọn giống cá bố mẹ của Tập đoàn Việt – Úc ứng dụng một số công nghệ vượt trội như công nghệ duy truyền phân tử, duy truyền số lượng, ứng dụng bắn chip điện tử vào cá để theo dõi và sau đó phân tích bằng các phần mềm ứng dụng. Qua đó, giúp chọn lựa được những cá thể mang vật liệu di truyền vượt trội trong đàn để chọn lọc cá bố mẹ tốt nhất cho những thế hệ tiếp theo.
Khi ghé thăm khu cá tra bố mẹ của Tập đoàn Việt – Úc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Tập đoàn đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao để góp phần phát triển nghề nuôi cá tra, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Thủ tướng hy vọng, Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao là bước ngoặt quan trọng, sớm lan tỏa kết quả ra toàn vùng ĐBSCL.
>> Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao của Công ty CP Việt – Úc tại ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) rộng 104 ha với 18 nhà màng, bước đầu chọn lọc được đàn cá bố mẹ thế hệ G1 hơn 3.000 con. Dự kiến từ tháng 4/2019, Tập đoàn sẽ cung cấp cá tra giống ra thị trường với công suất 1 tỷ con/năm. |
Bình luận gần đây