Tín hiệu lạc quan xuất khẩu cá tra sang Iran
Ðại sứ Iran Ali Akbar Nazari từng chia sẻ, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang trở thành điểm đến hấp dẫn và là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, trong lĩnh vực sản phẩm Halal. Với sự đa dạng, phong phú về nông sản, thủy sản, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm Halal hơn sang Iran, quốc gia có vị trí chiến lược ở Trung Ðông và là thị trường hấp dẫn để kinh doanh và giao thương.
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông, thủy sản như: hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ…
Những năm gần đây, Iran ngày càng ưa chuộng cá tra từ Việt Nam nhờ phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nước này. Ảnh: Gia Bảo
Có thể thấy, thủy sản là ngành hàng có nhiều lợi thế tại thị trường Iran, khi nhu cầu tiêu thụ nhóm sản phẩm này ngày một tăng; đặc biệt Iran rất ưa chuộng các sản phẩm cá tra của Việt Nam. Mặc dù không thuộc Top 5 thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc – Hồng Kông, Mỹ, CPTPP, EU và Brazil nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Iran trong tháng 4/2024 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, tạo ấn tượng đối với ngành hàng cá tra.
Cụ thể, trong tháng 4/2024, giá trị xuất khẩu cá tra sang Iran đạt gần 700.000 USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Lũy kế, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang quốc gia Tây Á này đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chuyên gia thị trường Cá tra VASEP cho biết, trong 5 năm trở lại đây, kể từ năm 2019 xuất khẩu cá tra sang Iran liên tục tăng trưởng ấn tượng. Đây là xu hướng chung của các quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam thời điểm thế giới mở cửa sau dịch COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Iran năm 2022 tăng trưởng ấn tượng, tăng đến 137% so với năm 2021, trị giá gần 5 triệu USD, chiếm 83% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nước này. Tuy nhiên, qua năm 2023, chỉ đạt hơn 4,1 triệu USD, giảm 12% so với năm 2022, chiếm 66% tỷ trọng.
Đối với sản phẩm fillet cá tra đông lạnh, tháng 4/2024, nước này chỉ nhập khẩu hơn 24.000 USD, tăng gần gấp đôi so với tháng 4/2023. Lũy kế bốn tháng đầu năm nay, Iran nhập khẩu gần 234.000 USD sản phẩm này, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 19% tỷ trọng.
Theo bà Hằng, khác với các thị trường khác ưa thích cá tra fillet đông lạnh, người tiêu dùng tại Iran có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm cá tra đông lạnh/khô. Vì vậy mà Iran gần như không tiêu thụ các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam.
Ðại sứ Iran Ali Akbar Nazari cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường Iran cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của nước sở tại. Việc gỡ bỏ rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm Halal sang thị trường Iran đòi hỏi sự kết hợp giữa cách tiếp cận chiến lược, hợp tác và tuân thủ các quy định. Phát triển cách tiếp cận mang tính chiến lược và đầy đủ thông tin, cùng với việc xây dựng mối quan hệ và thích ứng với sở thích của địa phương sẽ nâng cao cơ hội thành công trong việc tiếp cận thị trường Halal của Iran. Các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam sang thị trường Iran có thể dễ dàng tiếp cận các thủ tục, tiêu chuẩn của sản phẩm Halal dựa trên các quy tắc, quy định, tiêu chuẩn của sản phẩm này tại Iran.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Iran (kiêm Syria, Iraq) Nguyễn Thành Long cho biết, Iran không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cửa ngõ trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông, Trung Á với vài trăm triệu dân. Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Iran nhập khẩu các mặt hàng nông sản trị giá khoảng 10 tỷ USD/năm. Đây là cơ hội tiềm năng cho nhiều loại nông sản thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Iran. Xuất khẩu vào Iran cần lựa chọn các mặt hàng không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại của Iran, chuẩn bị tốt đơn hàng, thường xuyên kết nối với đối tác qua các kênh, lựa chọn và đàm phán phương thức thanh toán phù hợp. Nếu khéo léo trong đàm phán với người Iran, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội kinh doanh rất tốt.
Vân Anh
Triển lãm EXPO AGROFOOD Iran 2024 về nông nghiệp, thực phẩm, máy móc và các ngành liên quan sẽ diễn ra từ ngày 8 – 11/6/2024 tại Iran; với sự tham gia của 698 công ty trong nước và 127 công ty nước ngoài. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp gỡ, trao đổi, quảng bá sản phẩm, phát triển xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Iran.
Bình luận gần đây