Tận dụng cơ hội bứt phá tại Canada


Tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh về giá tại thị trường Canada

Tiềm năng

Theo VASEP, Canada đang tăng cường nhập khẩu tôm nước ấm (tôm sú, TTCT) từ Đông Nam Á, nhất là Việt Nam do sản lượng khai thác tôm nước lạnh giảm mạnh. Canada hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam và chiếm khoảng hơn 4% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Năm 2018, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho nước này, chiếm trên 25% thị phần, với sản lượng đạt 14.000 tấn, trị giá 155,7 triệu USD, tăng lần lượt 8,9% về lượng và 7,3% trị giá so năm trước đó. Canada chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu tươi/sống/đông lạnh từ Việt Nam để chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Mặc dù vậy, tại thị trường Canada, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm các nước khác; Giá bán cũng đang gây sự bất lợi không nhỏ cho tôm Việt Nam trong chiến dịch chiếm lĩnh thị phần, bởi hiện nay, giá nhập khẩu tôm từ Việt Nam cao hơn mức trung bình nhập khẩu tôm của Canada. Cùng đó, cạnh tranh ngày càng lớn từ Ấn Độ về nguồn cung và sản phẩm cũng khiến thị phần của tôm Việt Nam trên thị trường này giảm đáng kể. Mặc dù, Ấn Độ hiện vẫn đứng sau Việt Nam về cung cấp tôm cho Canada nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tôm Ấn Độ vào thị trường này ngày một mở rộng.

Chờ cơ hội lớn

Tại thị trường Canada, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh về giá với các nước đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Bởi năm 2019, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada dự báo sẽ tăng trưởng khả quan. Theo cam kết trong CPTPP, thuế nhập khẩu các mặt hàng thủy sản của Canada từ Việt Nam như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá tra, cá ngừ… đều về mức 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp tôm Việt Nam khai thác thị trường Canada vì các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia Hiệp định.

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), nhấn mạnh, người tiêu dùng Canada đa dạng về chủng tộc và văn hóa, trong đó người gốc châu Á tăng nhanh trong những năm gần đây dẫn đến nhu cầu thực phẩm châu Á cũng gia tăng. Mặt khác, Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không nhiều rào cản kỹ thuật. Tôm đông lạnh và cá tra là hai mặt hàng truyền thống, đang có chỗ đứng khá vững trên thị trường Canada.

Cơ hội là có thật, thế nhưng theo VASEP, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Canada nên tập trung vào phân khúc hàng có giá trị gia tăng. Cùng đó, doanh nghiệp nên quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã hàng hóa, phát triển mặt hàng mới, chú trọng chất lượng dịch vụ, bao gói, nhãn mác, giá cả hợp lý. Làm tốt những khâu này mới đảm bảo được vị trí cho con tôm Việt Nam trên đất Canada.

>> Năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada đạt 161,6 triệu USD. Tính đến giữa tháng 3/2019, giá trị kim ngạch đạt 23,8 triệu USD, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Canada, tỷ trọng TTCT ngày càng tăng.

Bảo Hân

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *