Cơ hội mở rộng cánh cửa thị trường Mỹ

Thế mạnh thị trường “khổng lồ”

Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu là 97 tỷ USD, đóng góp 27% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ và thủy sản sang Mỹ đóng góp lần lượt 43%, 35%, 54% và 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của từng ngành trong năm 2023.

Thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 4/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 8,98 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm lên 34,73 tỷ USD. Như vậy, Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Hết tháng 4, riêng thị trường này chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; 7 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản là ngành hàng được dự báo sẽ có nhiều lợi thế khi Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Ảnh: PTC

Với lĩnh vực thủy sản, trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18 – 23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra, hải sản… Trong năm 2023, vượt qua Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều ghẹ đỏ nhất sang Mỹ. Cụ thể, Mỹ nhập khẩu 2.421 tấn ghẹ đỏ, trị giá 35,1 triệu USD, từ Trung Quốc và nhập tới 2.803 tấn mặt hàng này từ Việt Nam, với trị giá là 54,7 triệu USD.

Mỹ cũng được rất nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam xác định là thị trường chiến lược và trọng điểm. Như báo cáo của Công ty CP Vĩnh Hoàn công bố ngày 14/5, tháng 4/2024, ngoại trừ Trung Quốc, các thị trường tiêu thụ của Vĩnh Hoàn đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Như với thị trường Mỹ sau mức giảm 20% trong tháng 3, doanh thu tại thị trường Mỹ lại tăng tới 33%, lên mức 411 tỷ đồng, đây tiếp tục là thị trường lớn nhất của doanh nghiệp.

Tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ kỳ vọng được mở rộng hơn trước thông tin Mỹ đang xem xét Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Được biết, Việt Nam đã nỗ lực đáp ứng 6 tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường và được cụ thể hóa sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26/7.

Theo đánh giá của SSI Research, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam.

Còn theo đại diện Bộ Công thương, đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường thường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá. Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.

Vượt qua “chướng ngại vật”

Theo các chuyên gia, Mỹ không phải là một thị trường mà là đa dạng hóa thị trường, bởi tại đây có tới 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang lại có khác biệt về địa lý, thời tiết, văn hóa cũng như tập tục thương mại… Do đó, doanh nghiệp cần xác định hàng hóa của mình sẽ bán vào tiểu bang nào và tìm hiểu các thông tin cụ thể về tiểu bang đó. Mặt khác, tại thị trường Mỹ luôn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng thuận lợi là quy định pháp lý rất rõ ràng, minh bạch, có thể dễ dàng tra cứu thông tin và pháp luật tại đây cũng rất nghiêm minh. Dù vậy, trước khi xuất hàng qua thịt trường này, doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ các quy định về pháp lý tại đây, bao gồm quy định hải quan, xác định đúng HS code, C/O để tránh những hệ lụy về sau. Rào cản phi thuế quan cũng là điều các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.

Dự báo về tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2024, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ khi sức mua giảm, nhu cầu đối với hàng thực phẩm đắt đỏ như thủy sản vẫn thấp. Chi phí các khâu tăng cao cũng khiến các nhà nhập khẩu Mỹ không giảm giá bán để kích thích tiêu dùng.

Vấn đề xây dựng, bảo vệ và khai thác thương hiệu hàng thủy sản Việt cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khác hiện chỉ phân phối qua kênh trung gian, bán lẻ của các nhóm nhà nhập khẩu châu Á chứ chưa đưa vào hệ thống phân phối trực tiếp của Mỹ. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý xa, chi phí vận chuyển cao khiến tính cạnh tranh thủy sản của Việt Nam thấp hơn các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ…

Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam còn cao so với các đối thủ cạnh tranh chính như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Tại Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ năm 2023, tôm của các nước này rẻ hơn Việt Nam từ 2 – 3 USD/kg, điều này gây khó khăn cho việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt. Theo ông Hưng, nguyên nhân khiến giá thành nuôi tôm của Việt Nam còn cao là do diện tích nuôi nhỏ lẻ, chất lượng giống chưa đảm bảo, mật độ cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp, chi phí thức ăn và đầu vào gia tăng…

Vân Anh

Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường trong đó có Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh; quyết định chấp thuận từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp EU công nhận Việt Nam. Thời điểm từ nay đến ngày 26/7 sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và nỗ lực từ phía Chính phủ khi cần vượt qua các quy định pháp lý chặt chẽ từ Mỹ.

 

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *