Hướng mở cho Thủy sản Việt: Chuỗi giá trị toàn cầu

Vị thế nông sản Việt

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản nhiệt đới; công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 – 7%. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân khoảng 8 – 10%; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Hiện, Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo, đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản và các sản phẩm đã có mặt trên gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay của cả nước đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so cùng kỳ năm 2018; trong đó có 6 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm. Tổng số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản là 9.235 doanh nghiệp (vốn bình quân là 17,8 tỷ đồng); trong đó, có 1.082 doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi (chiếm gần 12%); với những tên tuổi hàng đầu như Vingroup, Vinamilk, TH, Dabaco, Minh Phú, Vĩnh Hoàn…Ngoài ra, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đều có lợi thế, cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nhờ ưu đãi thuế quan từ nhóm các nước như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, New Zealand. Trong đó, nhiều nước thành viên CPTPP cam kết mở cửa thị trường nông sản cho Việt Nam; đặc biệt, với thị trường Australia, 93% số dòng thuế của nước này, tương đương với khoảng 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ được xóa bỏ ngay khi thực hiện hiệp định, các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

Đồ họa: TSVN

 

Gia tăng cạnh tranh

Thông tin tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng VCCI tổ chức mới đây ở Hà Nội, về thương hiệu thì nông sản Việt Nam được bán ra ngoài thị trường thế giới, có đến 80% hàng nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài; điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng vào thị trường quốc tế, bên cạnh những thuận lợi thì nông sản Việt đã và đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng nông sản chưa đồng đều, việc ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ cao còn hạn chế, đặc biệt là việc liên kết theo chuỗi sản xuất giá trị còn hạn chế…

Cùng với đó, việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng cho nên khó đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài, hay có kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

 

Doanh nghiệp là chủ chốt

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, nông sản Việt Nam đã mở rộng thị trường quốc tế tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu tăng lên ổn định. Năm 2018 đạt kim ngạch 40,2 tỷ USD; năm 2019 phấn đấu cao hơn dù rất nhiều khó khăn, nhất là thị trường và dịch bệnh; đã đảm bảo tốt chiến lược an ninh lương thực và thị trường 96 triệu dân được sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao hơn, an toàn và giá cả tương xứng với thu nhập của bà con. Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh, nhất là trong 3 năm gần đây. Tính đến nay đã có 500 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, chiếm khoảng 8% doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, để nông sản Việt có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu thì việc liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và các thành phần liên quan hết sức quan trọng; trong đó, vai trò của doanh nghiệp là then chốt. Thực tế, Việt Nam có những doanh nghiệp lớn về vốn, có kinh nghiệm tốt về quản trị và thị trường, đã mang khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp thành những mô hình rất tốt, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, từ đó lan tỏa những mô hình tốt đối với các hộ dân. Doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong các mô hình liên kết với người dân; điều này cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hơn nữa và đặc biệt là hướng tới sản xuất nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc và có giá trị gia tăng cao hơn.

Còn việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập. Song hành với đó là việc cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cần tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATTP, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (VietGAP, GlobalGAP, Organic…), hỗ trợ sơ chế, đóng gói nông sản.

 >> Theo Bộ NN&PTNT, đối với các chuỗi nông sản an toàn, cả nước có hơn 1.200 chuỗi được chứng nhận, với hơn 1.400 sản phẩm (chủ yếu là các loại rau, củ quả, các loại cá biển, trái cây, trứng, nước mắm). Việt Nam hiện đã và đang xây dựng các chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là: cá tra, lâm sản và lúa gạo.

An An

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *