Mỹ: Thị trường tôm dần ổn định

Tháng 6, Mỹ nhập khẩu 52.503 tấn tôm, trị giá 430,6 triệu USD, tăng gần 7% lượng nhưng giá trị lại giảm 9% so cùng kỳ, theo Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOOA). Nhờ đó, tháng 6/2019 trở thành tháng có khối lượng tôm nhập khẩu tăng liên tiếp so các tháng 6 của 4 năm qua. Giá tôm trung bình khoảng 8,17 USD/kg, giảm 1% so mức 8,26 USD của tháng 5 và giảm 7% so giá 8,79 USD của năm ngoái. Tuy vậy, nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn chưa đột phá và diễn biến chậm trong 2 tháng đầu năm khiến tổng khối lượng tôm nhập khẩu nửa đầu năm đạt 300.683 tấn, tương đương 2,5 tỷ USD, giảm gần 1% khối lượng và 11% giá trị so cùng kỳ. 

 

 Nam Mỹ giữ vững vị trí

Ngành tôm Ecuador năm nay tiếp tục đột phá trong quý II và bắt đầu vượt xa Việt Nam để trở thành nguồn cung tôm lớn thứ 3 cho thị trường Mỹ. Mỹ đã nhập khẩu 6.950 tấn tôm, tương đương 48,3 triệu USD từ Nam Mỹ trong tháng 6, tăng 31% lượng và 41% giá trị với giá tôm trung bình đạt 6,93 USD/kg.

Nửa đầu năm 2019, Ecuador đã xuất khẩu 40.609 tấn tôm, trị giá 264,4 triệu USD sang Mỹ, tăng gần 10% khối lượng và chỉ giảm 0,15% giá trị so 6 tháng cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, số tôm xuất khẩu sang Mỹ của Ecuador vẫn còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm của Ecuador là 307.842 tấn và 1,77 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Giá trung bình tôm Ecuador trong tháng 6 tăng nhẹ 0,09 USD/kg so tháng 5. Ngoài Mỹ, Ecuador cũng đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc với 33.587 tấn. Hiện, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ecuador. Tính kim ngạch xuất khẩu tôm của Ecuador đã chạm mốc 307.842 tấn trong 6 tháng đầu năm. 

Chỉ có ngành tôm Argentina ít chuyển biến tích cực tại Mỹ. Xuất khẩu tôm đỏ sang Mỹ trong tháng 6 đạt 9,4 triệu USD, giảm 1% so cùng kỳ. Trong tháng 5/2019, xuất khẩu tôm của Argentina tăng 41% cả về giá trị và sản lượng so cùng kỳ; nhưng tuần đầu tiên của vụ khai thác tôm đỏ ngoài khơi (từ tháng 6 – 10 hàng năm), sản lượng lại thấp kỷ lục; chỉ 1/3 đội tàu tham gia đánh bắt tôm trong tháng 6. 

Xuất khẩu tôm của Mexico sẽ chuyển biến ngoạn mục trong năm nay; chỉ trong tháng 6, lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 871 tấn, trị giá 9,9 triệu USD, tăng 135% khối lượng và 120% giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa tăng thuế với hàng hóa của Mexico khi nạn nhập cư từ Mexico vào Mỹ gia tăng, làm dấy lên nhiều lo ngại ngành tôm Mexico sẽ bị nhấn chìm. Tuy nhiên, những căng thẳng chính trị dường như đã dịu bớt; bởi vậy, ngành tôm của Mexico đang đón nhận tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu tôm của Mexico sang Mỹ đạt 10.751 tấn trong 6 tháng đầu năm, tăng 38% so cùng kỳ năm ngoái.  

 

 Tôm châu Á sẽ giảm tốc?

Tôm Ấn Độ tiếp tục duy trì ngôi vị đầu bảng tại thị trường Mỹ, với khối lượng xuất khẩu 20.559 tấn, trị giá 164 triệu USD trong tháng 6/2019, tăng 16% khối lượng và 6,5% giá trị. Trong suốt 6 tháng đầu năm, Ấn Độ đã xuất khẩu 115.694 tấn tôm sang Mỹ, thu về 952,1 triệu USD, tăng 14% khối lượng và giảm gần 1% giá trị so cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ vẫn cạnh tranh rất tốt, mặc dù các hãng sản xuất tôm tại nước này từng tuyên bố sẽ giảm sản xuất tôm do thời tiết xấu và tôm rớt giá trên thị trường toàn cầu. Trước đó, vào tháng 7 nhiều nông dân Ấn Độ cũng đồng loạt giảm thả nuôi 20 – 30% so các vụ trước vì giá tôm quá rẻ, không bù nổi chi phí sản xuất.

Trong khi đó, Indonesia, nguồn cung tôm lớn thứ hai tại thị trường Mỹ lại có tháng thứ hai tăng trưởng tích cực sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp, theo NOOA. Indonesia đã xuất khẩu 11.073 tấn tôm, trị giá 95,4 triệu USD, tăng 6% khối lượng và 6% giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành tôm Indonesia trong nửa đầu năm nay vẫn thua xa 6 tháng đầu năm ngoái; trong thời gian này, Indonesia chỉ xuất khẩu được 61.843 tấn tôm, trị giá 526,3 triệu USD, giảm 6% khối lượng và 17% giá trị. 

Ngành tôm Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau đòn thuế trả đũa của Mỹ. Tuy nhiên, mặt hàng tôm bao bột đông lạnh của Trung Quốc vẫn đứng đầu thị trường Mỹ. Dù vậy, xuất khẩu tôm của Trung Quốc vẫn khá ảm đạm, chỉ đạt 1.861 tấn với trị giá 9,5 triệu USD, giảm 47% lượng và 121% giá trị so cùng kỳ. Suốt 6 tháng đầu năm, Trung Quốc xuất khẩu 9.466 tấn tôm sang Mỹ, thu về 53,2 triệu USD, giảm 52% lượng và 62% giá trị so nửa đầu năm ngoái.

>> Trong một hội nghị gần đây, công ty thức ăn tôm Anvanti Feeds Ấn Độ cho biết, sản lượng tôm nguyên liệu đầu ra đã giảm 10 – 15% trong 3 tháng đầu của năm tài khóa do nông dân đồng loạt giảm thả nuôi. Tuy nhiên, theo dự báo đến vụ nuôi thứ 2 của năm nay, giá tôm sẽ tăng trở lại trong bối cảnh điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn.

Mi Lan (Tổng hợp)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *