Trung Quốc: Sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá chẽm
Nhu cầu thị trường
Hiện, có rất nhiều kết quả nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của cá chẽm châu Á. Thông thường, cá đạt tăng trưởng tốt nhất khi thức ăn chứa 45 – 55% CP kết hợp các axit amin thiết yếu. Về chất béo, cần thiết phải bổ sung theo tỷ lệ 15 – 22% kết hợp 1,5 – 1,7% các axit béo EPA+DHA.
Tuy nhiên, nông dân Trung Quốc lại chú trọng hình thức của thức ăn, độ ngon miệng và hiệu suất tăng trưởng. Nói về hình thức của thức ăn, người nuôi cá ưu tiên màu sắc, tỷ lệ bụi, tỷ lệ nổi và tính linh hoạt; độ ngon của thức ăn nhấn mạnh đến hương vị. Nông dân cũng có những tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá chất lượng thức ăn qua màu sắc; đôi khi màu vàng chứng tỏ thức ăn chất lượng tốt, thi thoảng màu nâu hoặc màu đậm cũng là dấu hiệu của thức ăn chất lượng. Trong khi đó, nông dân cũng yêu cầu thức ăn phải có mùi tanh như cá vì đây là yếu tố cần thiết để thu hút cá chẽm ăn. Thành phần bụi phải thấp và tỷ lệ nổi phải đạt trên 99%. Nếu không, nông dân sẽ từ chối mua thức ăn. Cuối cùng nhưng cũng quan trọng, tính đàn hồi sẽ được đánh giá bằng cách nén chặt viên thức ăn sau khi ngâm trong nước. Viên thức ăn mềm có độ đàn hồi cao được đánh giá chất lượng tốt nhất vì nông dân tin rằng thức ăn như vậy sẽ dễ tiêu hóa và ổn định dưới nước.
Khi thức ăn đáp ứng được các tiêu chuẩn trên, nông dân mới chấp thuận mua thức ăn và cân nhắc yếu tố tiếp theo là độ ngon của thức ăn – cũng là yêu cầu quan trọng nhất. Nông dân sẽ quan sát cá chẽm có hiện tượng nhả thức ăn ra ngoài, hoặc không ăn hay không. Nếu có hiện tượng này, chứng tỏ thức ăn chất lượng thấp còn nếu cá nhả thức ăn ra ngoài có thể do nhiều nguyên nhân như bột cá lẫn tạp chất, hoặc thức ăn chứa các chất kháng dinh dưỡng và thành phần bị ôi.
Nông dân giám sát điều kiện sức khỏe của gan cá và tăng trưởng định kỳ. Tương tự các loại cá ăn thịt khác, cá chẽm không thể chuyển hóa tinh bột thành nguồn năng lượng. Bệnh gan nhiễm mỡ thường xuất hiện khi cá ăn thức ăn có chứa hàm lượng tinh bột cao. Bị ôi do ôxy hóa cũng là rủi ro thường gặp ở cá chẽm châu Á, phổ biến nhất là phần gan bị sưng viêm khi cá được cho ăn các loại chất béo bị ôi. Thời gian nuôi cá chẽm châu Á thường kéo dài 7 đến 8 tháng với FCR khoảng 1,3 – 1,4.
Chiến lược thức ăn
Bột cá vẫn là thành phần đầu tiên trong thức ăn của cá chẽm châu Á. Vì tính bền vững, cộng với giá thành đắt đỏ đã kéo theo 2 xu hướng sau: đầu tiên, ngày càng có nhiều bột cá bị pha trộn được bán trên thị trường, ví dụ trộn lẫn bột lông vũ; thứ hai, các nhà máy thức ăn đang có xu hướng tìm kiếm nguyên liệu thay thế bột cá.
Để giải quyết khó khăn khi phải xây dựng công thức thức ăn trong bối cảnh giá bột cá leo thang, hãng Nutriera đã phát triển công thức thức ăn mới để nâng cao sinh khả dụng của chất dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe cá, cùng đó có thể đưa nhiều thành phần thực vật vào thức ăn của cá chẽm châu Á. Gluten bột mỳ có thể được sử dụng như một nguồn protein trong thức ăn công nghiệp cho cá chẽm châu Á. Độ đàn hồi của gluten bột mỳ có thể giảm hàm lượng tinh bột trong công thức thức ăn và cải thiện đáng kể lý tính của thức ăn viên. Tuy nhiên, tinh bột vẫn cần thiết trong chế biến thức ăn, bởi vậy, vẫn luôn xuất hiện những rủi ro không đặc thù với sức khỏe gan cá. Lúc này, có thể bổ sung phụ gia chức năng của Nutriera vào thức ăn để nâng cao sức khỏe gan và hiệu suất tăng trưởng của cá.
Để sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chẽm châu Á, các nhà sản xuất tại Trung Quốc đặt nhu cầu thị trường lên hàng đầu. Dinh dưỡng, hiệu quả vật lý và hiệu suất tăng trưởng sẽ là những nhân tố quan trọng nhất để đánh giá các nguyên liệu đầu vào. Cuối cùng, phụ gia chức năng, các loại vitamin phù hợp và khoáng chất sẽ tác động đến chi phí thức ăn và năng suất cuối cùng.
>> Để giải quyết nhu cầu thức ăn cho cá chẽm, Tập đoàn Guangdong Nutriera tại Trung Quốc đã phát triển giải pháp công nghệ phân loại hiển vi để phát hiện bột cá pha tạp chất chỉ trong 2 giờ. Bột cá bị pha trộn hiện đã được phân tích đầy đủ các chỉ tiêu gồm protein, nitơ và thành phần axit amin. |
Dũng Nguyên
Theo Allaboutfeed
Bình luận gần đây