Xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng đột biến

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng bước sang tháng 7 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này lại tăng 65% so với so với cùng kỳ. Việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tác động mạnh tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU.

Theo cam kết trong hiệp định EVFTA, từ ngày 1/8/2020 các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế quan. Còn đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, từ ngày 1/8 – 31/12/2020, có 4.791 tấn các sản phẩm HS1604.14.11 (cá ngừ ngâm dầu thực vật đóng hộp); HS1604.14.18 (cá ngừ vằn được chế biến hoặc bảo quản, trừ thịt cá xé vụn, philê/loin và các sản phẩm tương tự ngâm dầu thực vật); HS1604.14.90 (cá thuộc họ cá ngừ bonito chế biến hoặc bảo quản, nguyên con hoặc cắt miếng, trừ thịt cá ngừ xé vụn); HS1604.19.39 (cá thuộc họ Euthynnus chế biến hoặc bảo quản, nguyên con hoặc cắt miếng, trừ thịt cá ngừ xé vụn) và HS1604.20.70 (cá ngừ, cá ngừ vằn hoặc cá thuộc họ Euthynnus chế biến hoặc bảo quản loại khác, trừ dạng nguyên con hoặc cắt miếng) sẽ được miễn thuế khi nhập khẩu vào EU. Điều này giúp cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam có sức hút hơn đối với thị trường EU.

Xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng đột biến

Mặt hàng cá ngừ xuất khẩu vào EU tăng mạnh. Ảnh: T.H

Hàng hóa nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-serve), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.

Chính vì vậy mà các nhà nhập khẩu EU đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam từ rất sớm để có thể vận chuyển các lô hàng tới cảng ngoại quan tại các nước EU chờ sẵn để có thể thông quan vào ngày 01/8. Và điều này cũng chính là nguyên nhân khiến cho các lô hàng xuất khẩu sang EU trong tháng 7 tăng đột biến.

Số liệu thống kê của Hải quan cho thấy xuất khẩu 4 nhóm sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong tháng 7/2020 đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm các sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô (trừ thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304) tăng mạnh nhất, tăng 2.607% so với tháng 7/2019, tiếp đến là các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 78%.

Hiện Đức, Italy và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU. Trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường này đều tăng trưởng ấn tượng ở mức ba con số lần lượt là 119%, 200% và 210%.

Trong đó, Đức đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong khối EU, chiếm tới 69% tổng nhập khẩu. Dưới tác động của EVFTA, các lô hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Đức đang tăng mạnh trong tháng 7, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, Italy lại tăng nhập khẩu cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam (trừ thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304). Tính riêng trong tháng 7, nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Italy, chiếm tới 90% tổng nhập khẩu của EU từ Việt Nam, tăng gần 190% so với cùng kỳ.

Còn Hà Lan tăng nhập khẩu các sản phẩm thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304 từ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam sang Hà Lan tăng tới 659% so với cùng kỳ.

Với sự tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường trong tháng 7, có thế thấy việc được hưởng ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường EU. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA tạo ra cơ hội phục hồi cho ngành cá ngừ Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường gặp khó khăn do tác động của Covid-19.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *