Tôm Việt Nam chiếm 30% thị phần tại Canada
Ông Nguyễn Tuấn cho biết, quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Canada những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt sau khi tiến hành thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và Canada là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Canada đạt 6,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2018. Trong 9 tháng năm 2020, mặc dù thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng thương mại song phương Việt Nam – Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng 5%, đạt 3,66 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Canada 3,1 tỷ USD, tăng 10% so với 9 tháng năm 2019.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong 9 tháng năm 2020, ngoại trừ dệt may và da giày có sự sụt giảm lần lượt 3% và 11%, các mặt hàng khác đều giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, hàng thủy sản tăng 17%, đồ gỗ tăng 17%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 38%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 36%…
Ông Tuấn đánh giá, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, đồ gỗ nội thất, dệt may, giày dép, hàng nông sản… sang Canada. Trong đó, các mặt hàng thủy sản đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao như tôm, cá basa, cá ngừ…
Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang Canada, chiếm khoảng 30% thị phần tại Canada. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê và là số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta, đạt khoảng 3 tỷ USD/năm; dự kiến tăng trưởng 8,07% từ năm 2020 đến 2025.
Theo ông Tuấn Canada được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu với khả năng tiếp cận thị trường ưu tiên thông qua 14 hiệp định thương mại với 51 quốc gia với gần 1,5 tỷ người tiêu dùng và tổng GDP là 49,3 nghìn tỷ USD. Theo Economist Intelligence Unit (EIU), Canada là quốc gia tốt nhất trong cả G7 và G20 về môi trường kinh doanh trong 5 năm tới. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Canada đã tăng từ 551 tỷ đô la Canada năm 2008 lên 1.037 tỷ đô la Canada năm 2019. Với dòng vốn FDI tăng 18,6%, Canada là điểm đến thứ 11 của FDI trên toàn thế giới vào năm 2019.
Trong đó, ngành công nghiệp thực phẩm là ngành sản xuất lớn nhất tại Canada, đóng góp hơn 110 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada, xuất khẩu gần 56 tỷ USD và nhập khẩu 44,5 tỷ USD các sản phẩm và là yếu tố đóng góp hàng đầu cho sự đổi mới và tăng trưởng toàn cầu.
“Với lợi thế là một “trung tâm” FTA ở châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam cũng sẽ là cầu nối để đưa hàng hóa và dịch vụ của Canada tiếp cận với thị trường 660 triệu người tiêu dùng của ASEAN, cũng như tới các thị trường quan trọng khác tại khu vực” – ông Tuấn nhận định.
Bình luận gần đây