Tôm Việt vượt đại dịch

Ngược dòng ngoạn mục

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021 mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng ngành tôm vẫn đảm bảo nhiều chỉ tiêu đặt ra. Cụ thể, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 737 nghìn ha, trong đó: diện tích nuôi tôm sú 622 nghìn ha, nuôi TTCT 115 nghìn ha. Mặc dù diện tích nuôi cơ bản không tăng so với năm 2020, thế nhưng, năm qua, sản lượng nuôi tôm nước lợ vẫn tăng 5,5% khi đạt 931 nghìn tấn; trong đó sản lượng tôm sú đạt 265 nghìn tấn và TTCT đạt 666 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, chưa bao giờ vùng ĐBSCL lại trải qua những ngày tháng giãn cách xã hội, dịch bệnh nổ ra như nửa cuối năm 2021. Nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân bị nhiễm COVID-19… nhưng vượt lên tất cả, chỉ sau vài tháng thích ứng linh hoạt, chuỗi nuôi trồng chế biến xuất khẩu tôm đã được khôi phục ngoạn mục.

Tỉnh Sóc Trăng năm 2021 ứng dụng nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Toàn tỉnh có hơn 4.000 ha nuôi tôm theo mô hình ao nổi, ao bạt và các mô hình sản xuất theo hướng thâm canh, siêu thâm canh và công nghệ cao.  Năm 2021, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng đạt 53.000 ha, vượt gần 4% kế hoạch; trong đó, TTCT là 40.000 ha và tôm sú 13.000 ha. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm trên 93%. Ước sản lượng tôm nuôi đến cuối năm đạt trên 183.000 tấn, vượt 6,5% kế hoạch và cao hơn 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, Sóc Trăng trở thành tỉnh đầu tiên cán mốc kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 23% so năm 2020.

Cà Mau, thủ phủ ngành tôm, theo Sở Công thương tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 cũng đạt hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Chủ yếu xuất khẩu của Cà Mau là thủy sản mà chủ lực là con tôm. Xuất khẩu thuỷ sản đạt 103 triệu USD; luỹ kế đạt 939 triệu USD, tăng 13,02% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU tăng 35,98%, Mỹ tăng 33,38%, Trung Quốc tăng 33,80%…

Năm 2021, NTTS Bạc Liêu đạt diện tích 142.910 ha, hoàn thành 102,24% kế hoạch, tăng 2,27% so với cùng kỳ và cho tổng sản lượng nuôi trồng 295.881 tấn; trong đó, con tôm chiếm hơn 200.910 tấn, tăng 11,58%. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn (chiếm 58%) của Bạc Liêu, và sự tăng trưởng của con tôm, được đánh giá là “góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 5,05%”.

Có thể thấy, từ những tỉnh nghèo chủ yếu thu nhập từ trồng trọt, nhiều tỉnh thành ĐBSCL đã và đang vươn tới những con số xuất khẩu tôm đạt hàng tỷ USD/năm bất chấp đại dịch thế kỷ. Thắng lợi của ngành tôm đang làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn nước mặn đồng chua.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Ngành tôm Việt Nam đang có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên, với đội ngũ doanh nghiệp năng động, thiện chiến, nhiều kinh nghiệm từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu; có sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ của toàn hệ thống chính trị từ Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương đến doanh nghiệp, người dân, sẽ tiếp tục tạo đà cho sản xuất phát triển hơn nữa trong năm 2022.

An toàn cho lao động và ngành tôm

Mặc dù đại dịch thế kỷ đang dần được khống chế và tổ chức Y tế thế giới mong muốn kết thúc đại dịch trong năm 2022, song các biến chủng mới vẫn lây lan mạnh tại châu Âu và nhiều khu vực khác vào thời điểm cuối năm 2021.

Tại Việt Nam, nhờ chính sách “phủ vaccine” trên toàn quốc, người dân và doanh nghiệp đang thích nghi sống và làm việc an toàn trong đại dịch. Các vùng nuôi, các nhà máy đang trở lại với nhịp sống làm việc của mình.

Ngành tôm Việt Nam từng bước thích ứng với đại dịch, thu về nhiều thắng lợi Ảnh: PTC

Tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu tôm năm 2021 cán đích ở mức gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và dự báo năm 2022 sẽ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Dù khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch COVID-19, nông sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 ngành tôm đạt sản lượng 980.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu từ 3,9 đến 4,1 tỷ USD”.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm về khủng hoảng nhân lực trong từ đợt giãn cách xã hội cuối năm 2021, các doanh nghiệp và địa phương đều mong muốn chính phủ và các bộ ngành tiếp tục quan tâm đề cao sự an toàn trong nuôi trồng sản xuất, chế biến tôm, hạn chế tối đa sự lây lan của COVID-19. Sự an toàn cho con người là tiền đề cho sự phát triển an toàn bền vững của ngành tôm trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

 Cơ hội và thách thức 2022

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay xuất khẩu tôm Việt Nam đang đối mặt một số thách thức. Đó là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. Điển hình là Hàn Quốc, nước này yêu cầu sản phẩm tôm nhập khẩu vào đây phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm; thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.

Bên cạnh đó, về sản xuất trong nước, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thì tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp có thể tác động tiêu cực lên chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu, nguồn nhân lực… Vì vậy, để đạt các mục tiêu đã đề ra, là một thách thức không nhỏ.

Ngoài ra, COVID-19 khiến cho giá thành sản xuất tôm của Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador đều tăng, và nhiều nước thiếu container vận chuyển, chi phí đóng gói và sản xuất cũng tăng phi mã. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới vẫn tăng trưởng mạnh. Vào thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 giá tôm đã tăng ổn định trở lại. Giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ đạt 9,45 USD/kg, tăng 7% so với 8,80 USD/kg của cùng kỳ năm 2020.

Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN, trong một bài viết mới đây cho biết: “Các mốc khó khăn như các lần khủng hoảng tài chính kinh tế khu vực (1998) hay thế giới (2008), ngành tôm nói riêng, thủy sản nói chung luôn kiên trì vượt qua. Nay trước mắt tuy có phần bất lợi, nhưng những tháng qua cho thấy các doanh nghiệp tôm luôn bền bỉ tổ chức sản xuất trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Thành quả cao nhất là không có cảnh ao tôm nào bị bỏ quên, gây thiệt hại”.

Năm 2022, dự kiến nhiều quốc gia xuất khẩu tôm sẽ khôi phục được sản xuất xuất khẩu và sự cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn. Tuy nhiên với lợi thế tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, ngành tôm Việt Nam vẫn có rất nhiều thị trường ổn định và tiềm năng.

Hiện thị trường CPTPP chiếm 28% xuất khẩu thuỷ sản, tăng 3% tỷ trọng so với 2018. Xuất khẩu sang NewZealand tăng 18% trong năm 2021. Xuất khẩu sang Mexico tăng vọt 65%, sang Brunei tăng 34% trong năm 2021. Nhờ EVFTA, xuất khẩu sang EU rất ổn định bất chấp dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 4%.

Với đà tăng trưởng và những lợi thế thị trường, chắc chắn ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục đạt những dấu mốc mới trong năm mới 2022.

>> Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu: Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000 ha; sản lượng 950.000 tấn, trong đó, tôm sú 275.000 tấn, TTCT 675.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ở mức hơn 3,9 tỷ USD, tăng 2,63% so với năm 2021. Tôm Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao trên những thị trường lớn. Hiện sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển, sự linh hoạt nắm bắt nhu cầu đang gia tăng, năm 2022 và cả trong những năm tới, tỷ lệ tôm chế biến sẽ tăng cao hơn nữa.

Nguyễn Anh – Thu Hồng

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *