Nỗ lực tại các thị trường mới
Canada
Theo số liệu thống kê của Hải quan Canada, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Canada tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm với tổng giá trị nhập khẩu thủy sản năm 2019 là 4,2 tỷ CAD (3,5 tỷ USD). Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thủy sản của Canada tăng trở lại, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang thị trường này còn nhiều dư địa khi tổng giá trị xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 300 triệu CAD (250 triệu USD). Các mặt hàng thủy sản đã khẳng định vị thế tại Canada như: Tôm đông lạnh và tôm chế biến khoảng 3,4 tỷ CAD/năm, chiếm khoảng 30% thị trường Canada; cá basa khoảng 37 triệu CAD/năm và cá ngừ (vây vàng và mắt to) khoảng 6 triệu CAD chiếm khoảng 80% thị trường Canada. Các sản phẩm tiềm năng khác như mực, bạch tuộc, thủy sản chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng.
Mặc dù các sản phẩm thủy sản của Việt Nam không nhận được nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu vào thị trường Canada sau Hiệp định CPTPP do phần lớn đã được hưởng mức thuế tối huệ quốc MFN là 0% từ trước khi CPTPP được ký kết và hiệu lực, trừ cá ngừ chế biến (thuế MFN 7%) và cua, ghẹ (thuế MFN 5%). Tuy nhiên, thị trường Canada có một số đặc điểm thuận lợi như: không có hạn ngạch xuất khẩu, các sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam mang tính tương hỗ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp và sản phẩm nhập khẩu vào Canada dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ và ngược lại khi thương mại Canada và Mỹ chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada.
Australia
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh tại hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia” đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Australia đang phát triển hết sức tốt đẹp; Australia đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia vẫn liên tục tăng thời gian qua, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm năm 2021 tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, thủy sản Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn về GlobalGAP, ASC, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường phát triển nhất. Trong thời gian tới, Việt Nam đặt kế hoạch tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất đi cùng với bảo vệ môi trường, sản xuất theo chuỗi khép kín, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để giám sát quy trình sản xuất, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu đảm bảo an toàn sinh học và thực phẩm để có thể đưa mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường này.
Na Uy
Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, chia sẻ, Na Uy và Việt Nam đều có bờ biển dài và phụ thuộc nhiều vào kinh tế biển. Hiện cả hai đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn rất nhiều trong lĩnh vực NTTS. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang Na Uy trong 10 tháng đầu năm nay đạt gần 22,5 triệu USD, tăng gần 200% so cùng kỳ năm ngoái (gần 8 triệu USD).
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Na Uy – ông Lê Hồng Lam thông tin, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Na Uy trong năm 2020 tăng 19,52% so năm 2019 đạt 528,5 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy đạt 216,9 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt 311,6 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương đạt 365,5 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy đạt 103,7 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt 261,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm: thủy sản, hạt điều, dệt may, giày dép, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Na Uy gồm: thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng khác, phân bón hóa chất và sản phầm từ sắt thép.
Trong thời gian tới, triển vọng giao thương, xuất khẩu thủy sản ở Na Uy được đánh giá cao và còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa.
Tuệ Nhi
Bình luận gần đây