Rộng mở thị trường nước mắm truyền thống

Tiềm năng lớn cho xuất khẩu

Khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao về thị trường xuất khẩu nước mắm Việt Nam năm 2020 – 2021 cho thấy, Mỹ là thị trường tiêu thụ nước mắm truyền thống lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm 2021, doanh số xuất khẩu sang thị trường này ước gần 6 triệu USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch và tăng trưởng 42% so trước đó.

Tiếp theo, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai với doanh số hơn 4 triệu USD, chiếm 14,1% tổng kim ngạch. Phần lớn nước mắm được sử dụng tại nước này để làm phụ gia trong sản xuất các loại thực phẩm khác gồm cả thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, doanh số xuất khẩu nước mắm vào Đài Loan cũng đạt gần 3,1 triệu USD, tăng 86% so năm trước đó, chiếm khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường khác như Trung Quốc, Campuchia, Hà Lan… giá trị xuất khẩu nước mắm cũng tăng trưởng tốt 30 – 40%.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), có khoảng 320 công ty và cá nhân tham gia xuất khẩu nước mắm trong năm 2021, tăng hơn 30% so năm trước. Đặc biệt có doanh nghiệp đạt doanh thu xuất khẩu tăng hơn 700%. Nước mắm xuất khẩu được ưa chuộng tại Mỹ và một số thị trường khác phần lớn là có hương vị truyền thống, có độ đạm cao nhưng không quá nặng mùi cá. Ngoài ra, một số sản phẩm nước mắm được sử dụng trong các món ăn châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Đa phần nước mắm xuất khẩu của Việt Nam vẫn hướng đến những người tiêu dùng gốc Việt và gốc Á. Năm nay, tùy vào tình hình thương mại quốc tế dần phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19, BSA kỳ vọng giá trị xuất khẩu nước mắm Việt Nam có thể tăng hơn 5% so cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, doanh số xuất khẩu sản phẩm nước mắm truyền thống của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 6 triệu USD Ảnh: NĐH

Là một trong số 18 công ty được cấp phép xuất khẩu nước mắm vào châu Âu từ năm 1998, đến nay, sản phẩm của Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà đã có mặt ở 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia… Đáng chú ý, Thanh Hà có quy mô sản xuất lên đến 2 triệu lít một năm, trong đó 60% sản lượng được xuất khẩu.

Với bề dày 45 năm sản xuất nước mắm truyền thống, mỗi năm Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang cung cấp cho thị trường khoảng 8 triệu lít nước mắm. Đặc biệt sản phẩm của Công ty còn xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty cho hay, với chiến lược phát triển ổn định thị trường nội địa, đặc biệt là tăng cường mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính nên 584 Nha Trang tiếp tục mở rộng sản xuất. Điển hình đầu tháng 4/2022 vừa qua, Công ty đã khánh thành Nhà máy Diên Phú tại Cà Ná – Phan Rí với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, nhà máy có thể cung cấp ra thị trường khoảng 20 triệu chai nước mắm thành phẩm một năm. Đặc biệt, Công ty đã hoàn thiện khép kín từ khâu sản xuất nước mắm nguyên liệu đến đóng gói. Các sản phẩm của công ty đáp ứng được các tiêu chuẩn HACCP, FSSC… để xuất khẩu sang Mỹ, EU.

Cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường, đại diện Công ty Pacific Foods cho biết, hai năm qua mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng sản lượng xuất khẩu thực phẩm, gia vị trong đó có nước mắm qua kênh thương mại điện tử Amazon tăng 30%. Đặc biệt, mới đây Pacific Foods đã xuất khẩu lô hàng 16 tấn gồm nước mắm truyền thống Bless Mami, Hảo Hạng, tương ớt Youmi… sang Mỹ. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm mà Công ty tham gia sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh của Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài.

Tích cực chuyển đổi số

Bên cạnh sức hút lớn về các sản phẩm nước mắm truyền thống thì thị trường tiêu thụ cũng ngày càng có thêm những yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm; điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam cần nhanh nhạy thích ứng trong đó nổi bật nhất là vấn đề chuyển đổi số.

Trong thời đại 4.0, nhất là khi thương mại điện tử ngày càng bùng nổ và là một trong những xu hướng mua sắm quen thuộc, chuyển đổi số trở thành bước ngoặt thiết yếu của doanh nghiệp bán lẻ. Đặc biệt, sau tác động của COVID-19, thương mại điện tử và các kênh bán online khác càng chứng minh vị thế quan trọng, góp phần đưa doanh nghiệp vượt sóng, duy trì vận hành, đảm bảo doanh thu. Với những làng nghề thủ công, truyền thống, việc chuyển đổi số hiện nay xem như bước chuyển mình giúp các làng nghề này nắm bắt thời cuộc. Bởi khi ngày càng nhiều doanh nghiệp số hóa, những đơn vị còn lại sẽ khó theo kịp.

Việc đưa sản phẩm lên kênh online cũng là bước ngoặt quan trọng giúp thương hiệu Nước mắm Tĩn (Bình Thuận) nắm cơ hội chuyển đổi hợp xu hướng. Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc dự án Làng chài xưa cho biết, giá trị sản phẩm không chỉ ở chai nước mắm ngon mà còn ẩn sau câu chuyện về làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi. Gia vị truyền thống Việt Nam này nhiều năm qua đã góp phần hoàn chỉnh món ăn cho hàng triệu gia đình Việt. Nay người dùng Tiki đã có thể chọn Nước mắm Tĩn làm quà tặng, thay cho tấm lòng và lời chúc an khang gửi đến những người thương yêu, trân quý. Hoặc họ cũng có thể dùng sản phẩm nêm nếm cho bữa ăn gia đình thêm đậm đà hương vị xưa. Trung bình chỉ mất 2 giờ để đưa chai nước mắm Tĩn đậm vị đến tận tay người dùng nhờ giải pháp TikiNOW giao nhanh chóng. Đây cũng là một trong những thế mạnh của sàn thương mại điện tử Tiki, giúp đối tác thương hiệu, cụ thể là Nước mắm Tĩn, thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng, tăng mức độ hài lòng về cả dịch vụ lẫn chất lượng sản phẩm.

Đại diện BSA cũng nêu thực tế hiện nay có đến 80 – 90% công ty xuất khẩu nước mắm sử dụng hình thức vận chuyển bằng đường biển. Thế nhưng giá cước vận chuyển bằng đường biển tăng rất mạnh, cộng với tình trạng khan hiếm container là trở ngại lớn cho việc xuất khẩu nước mắm của Việt Nam. Do đó, thời gian tới các công ty xuất khẩu nước mắm có thể cân nhắc thay đổi hình thức vận chuyển, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của giá cước vận chuyển lên chuỗi cung ứng của mặt hàng này.

>> Bộ NN&PTNT cho hay, cả nước hiện có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất, kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm, với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm. Ngành sản xuất nước mắm Việt Nam có tổng giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng hàng năm từ 13% trở lên. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu khi nguồn cá ven bờ ngày càng cạn kiệt.

Hồng Hạnh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *