Xuất khẩu thủy sản: Thách thức “ta làm khó mình”

Tốc độ tăng xuất khẩu đang chậm lại

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 tăng 26% so cùng kỳ nhưng đã giảm gần 20% so tháng trước đó, hiện nay tốc độ xuất khẩu đang chậm lại. Lũy kế xuất khẩu thủy sản 8 tháng qua đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng 36,2%; trong đó, hai mặt hàng chủ lực: xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 22,5%; xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng 80,7%.

Xuất khẩu tôm trong tháng 8 tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8, xuất khẩu tôm chỉ đạt còn 356 triệu USD, giảm 20% so tháng xuất khẩu cao điểm.

Nguyên nhân xuất khẩu tôm giảm là do việc sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn khi các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi. Lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc – 2 thị trường lớn sụt giảm từ tháng 7. Trong tháng 8, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 33%, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 13%.

Thị trường tiêu thụ tôm từ nay đến cuối năm được dự báo có nhiều khó khăn. Ảnh: Xuân Trường

Riêng xuất khẩu cá tra trong tháng 8 vẫn giữ được phong độ ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ, tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường có dấu hiệu chậm lại. Ngoài yếu tố về thị trường còn do nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng.

Tương tự như vậy, sau khi đạt mức cao trên 100 triệu USD vào tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tới tháng 8, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, dù vẫn cao hơn 74% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ tương đương với doanh số trong tháng 7. Lũy kế tới hết tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 734 triệu USD, tăng 54%.

Mặc dù xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng theo nhận định của VASEP, mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản này không thể hiện xu hướng lạc quan vì trong năm 2021, ĐBSCL – khu vực xuất khẩu thủy sản chủ lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, sản xuất thủy sản bị gián đoạn, xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Nuôi và chế biến đều ách tắc

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản, nên doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng nuôi thủy sản hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, đó là:

Thứ nhất, hiện nay nhiều địa phương đang tiến trình đô thị hóa nên có không ít biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất, một số quy định bất cập về sử dụng đất và việc gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp và người nuôi thủy sản về quỹ đất phát triển vùng nuôi.

Thứ hai, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chưa ban hành quy chuẩn riêng cho nước thải vùng nuôi thủy sản. Theo Dự thảo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) do Tổng cục Môi trường soạn thảo sắp được ban hành thì nước thải từ ao nuôi thủy sản đang bị đưa vào chung QCVN nước thải công nghiệp, trong khi trong chăn nuôi thì lại có quy chuẩn riêng.

Thứ ba, theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) đang áp dụng với chỉ tiêu phospho 10 mg/l đối với cột A và 20 mg/l đối với cột B. Theo Quy chuẩn dự thảo thay thế cho QCVN 11:2015, chỉ tiêu phospho được điều chỉnh tiếp tục giảm về 4 – 6 mg/l.

“Hiện ngành chúng ta có hai khâu quan trọng nhất là nuôi trồng và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường. Xu hướng của chúng ta là phát triển bền vững, bị vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác, rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phospho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh. VASEP đã có 12 văn bản góp ý, kiến nghị cũng như có ít nhất 3 cuộc họp trao đổi với đại diện Bộ TN&MT, rất mong Bộ TN&MT xem xét có quy chuẩn riêng về bảo vệ môi trường cho nuôi trồng, chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế” ông Nam đề xuất.

Các doanh nghiệp bức xúc

Theo bà Đặng Thị Thương, đại diện Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn, hiện nay Bộ TN&MT chưa có quy định riêng cho nước thải nuôi trồng, chế biến thủy sản nên tất cả các đánh giá tác động môi trường của dự án nuôi các tra của Công ty đang được yêu cầu áp dụng theo QCVN 11:2015, QCVN 40:2011/BTNMT, đây là Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải đối với sản xuất công nghiệp. Để có thể đạt được tiêu chuẩn quản lý nước thải theo các quy chuẩn này thì các doanh nghiệp phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, chỉ có doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tập trung thì mới có thể thực hiện được. Đối với NTTS, ao nuôi, nhà máy phân tán nên không thể đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung được. Hầu hết các vùng nuôi cá tra thương phẩm hiện nay đều xử lý nước thải theo phương án lắng lọc sinh học trong ao lắng thải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quy định. Thông thường người nuôi dành ít nhất 30% diện tích ao nuôi để xử lý nước thải và chứa bùn, lắng lọc.

Theo Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT đang còn hiệu lực thì tiêu chuẩn nước thải công nghiệp được phép thải ra môi trường còn cao hơn cả tiêu chuẩn Thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP) được phát triển bởi Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA). Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cũng đưa ra tiêu chuẩn cao hơn Quyết định 1802/QĐ-BNN-QLCL “chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ” và QCVN 02-20:2014/BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Phú Khởi

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *