Tận dụng cơ hội, sớm chạm vạch đích
Sản xuất ổn định
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng 13,67% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,29%, đóng góp 4,04%.
Riêng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định; khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 2,43% so cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,2%; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Với riêng lĩnh vực thủy sản, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản quý III/2022 ước đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 6,6 triệu tấn, tăng 2,6%, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3,6 triệu tấn, tăng 7,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3 triệu tấn, giảm 2,4%.
Xuất khẩu khả quan
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%… Đến nay, đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Ảnh: Phan Thanh
Trong đó, gỗ, tôm, cà phê, gạo và cá tra là 5 mặt hàng có thặng dư thương mại 9 tháng cao nhất. Cụ thể, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm trước; tôm đạt 3 tỷ USD, tăng hơn 24%; cà phê đạt 3 tỷ USD, tăng hơn 98%; gạo đạt hơn 2 tỷ USD tăng 15%; cá tra đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 82%.
Về thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 9, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị kim ngạch đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần; đứng thứ 2 là Trung Quốc với khoảng 7,4 tỷ USD, chiếm 18,2% thị phần; thứ 3 là Nhật Bản, đạt 3,1 tỷ USD; thứ tư là thị trường Hàn Quốc.
Và theo chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp thì 3 tháng cuối năm 2022 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch.
Riêng với lĩnh vực thủy sản, xuất khẩu ngành hàng này tiếp tục thu về những kết quả khả quan. Theo phân tích của VASEP, lạm phát làm giảm nhu cầu sản phẩm thủy sản tại nhiều quốc gia nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng mạnh vì đây là mặt hàng có giá khá bình dân. Trong khi đó, xuất khẩu tôm giảm vì phần vì thiếu nguyên liệu và lạm phát. Về tổng thể, xuất khẩu thủy, hải sản, tuy có một số mặt hàng giảm kim ngạch nhưng được bù đắp lại bởi xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc và các loại cá biển. Do vậy, VASEP dự báo đến hết tháng 11, ngành thủy sản có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD như kỳ vọng.
Chuẩn bị về đích
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết đầu tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đã góp phần quan trọng để tăng GDP của đất nước. Các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đã góp phần vào phát triển kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm, để đạt các mục tiêu đã đề ra, những tháng cuối năm này, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước. Xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu… “Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp trong năm nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến “Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu còn nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, dấu hiệu tồn kho còn, sức mua giảm. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50 tỷ USD thì chúng ta sẽ hết sức phấn đấu, cố gắng thông qua các giải pháp về thị trường để đảm bảo mục tiêu đề ra”.
Phan Thảo
Bình luận gần đây