Trợ lực lớn cho xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu khả quan

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Đóng góp công lớn nhất trong thành quả này vẫn là hai chủ lực tôm và cá tra, trong đó con tôm chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, mang về 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ.  

Trong các thị trường nhập khẩu 9 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là Trung Quốc, thị trường này mang về 1,35 tỷ USD và là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất với 76%. Cùng đó, xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%; xuất khẩu sang EU trên 1 tỷ USD, tăng 41%…

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Theo VASEP, trong quý III/2022, mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản có xu hướng giảm dần so với những tháng trước đó, thế nhưng vẫn có mức tăng trưởng tốt. VASEP dự báo đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD như mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra từ đầu năm. Theo đại diện các doanh nghiệp thủy sản, những tháng cuối của năm 2022 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch. 

Gỡ “rào cản” nhập khẩu nguyên liệu 

Mặc dù xuất khẩu rất thuận lợi, thế nhưng, điều nhiều doanh nghiệp lo lắng vẫn là nguồn nguyên liệu cho chế biến. Với những khó khăn từ sản xuất trong nước, việc nhập khẩu nguyên liệu sẽ giúp phần nào bù đắp những thiếu hụt. Trước đây, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu vốn không dễ dàng khi vướng mắc nhiều thủ tục, đặc biệt là chằng chéo trong các quy định kiểm soát thú y, thế nhưng, điều này đã được tháo gỡ nhiều “nút thắt”.

Điển hình là trong tháng 7/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Trong đó quy định sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch.

Cụ thể, danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.

Cùng đó, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch gồm: sản phẩm động vật thủy sản (bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản) ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh; các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Theo VASEP, Thông tư mới này thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp thủy sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ, trong khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới gia tăng.

Bảo Hân

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *