Cơ hội của thủy sản Việt tại thị trường Nhật Bản
Mở đầu thuận lợi
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản ước khoảng 1,75 tỷ USD, đứng thứ 4 trong thị trường xuất khẩu thủy sản, riêng trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta sang Nhật Bản đạt 173 triệu USD, vượt qua Mỹ và trở thành khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam.
Bước sang năm 2023, ngay tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh thì tỷ trọng xuất khẩu thủy sản nước ta sang Nhật Bản vẫn tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023 với kim ngạch đạt 91 triệu USD. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp, Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Xuất khẩu hải sản sang thị trường Nhật Bản năm 2023 cần nhiều thận trọng. Ảnh: VOV
Với mũi nhọn xuất khẩu của thủy sản Việt Nam là con tôm thì Nhật Bản cũng là thị trường lớn và luôn có sự ổn định. Năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 671 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021. Trong nửa đầu tháng 1/2023, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt gần 20 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Với mặt hàng hải sản, theo thống kê, năm 2022, nước này nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh từ Việt Nam tăng 77% về khối lượng và tăng 35% về giá trị. Về mặt hàng cá thu, năm 2022, Nhật Bản nhập khẩu gần 6.500 tấn cá thu chế biến từ Việt Nam, giảm so với khối lượng 7.277 tấn của năm 2021, nhưng tăng mạnh 28% về giá trị so với mức trung bình năm 2021. Còn riêng với sản phẩm cá ngừ, trong tháng 1/2023, tính trong khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam chỉ tăng nhẹ 6%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản lại tăng 38%.
Nhật Bản hiện đã nâng dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2023, cùng với gói kích thích hơn 29 nghìn tỷ JPY của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do lạm phát, và triển vọng khôi phục của lĩnh vực du lịch – dịch vụ, chính sách tăng lương cho người lao động của các doanh nghiệp… đã trở thành những thông tin tích cực về nền kinh tế Nhật Bản. Đây là cơ sở quan trọng để xuất khẩu thủy sản Việt Nam tự tin tại thị trường này trong năm nay.
Thận trọng từng bước
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, năm 2023 ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Hiện nay các đơn hàng gần như bị sụt giảm rất mạnh, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng cho cho quý I/2023.
Nguyên nhân được cho là do biến động về tỷ giá, lạm phát khiến nguồn chi của người tiêu dùng bị thắt chặt. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước đang thiếu vốn, lại khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhất là những công ty nhỏ và vừa. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp rất khó chủ động thu mua nguyên liệu trả đơn hàng hoặc dự trữ cho sản xuất.
Riêng với thị trường Nhật Bản, mặc dù có những dự báo khả quan, thế nhưng trong thời gian tới cũng xuất hiện nhiều lo ngại tại thị trường này, nhất là khi Nhật Bản áp dụng cơ chế tương đương về quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC).
Cụ thể, các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản chế biến từ nguyên liệu thuộc các loài mực ống và mực nang (Squid and Cuttlefish), cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá thu (Mackerel, Scomber spp) và cá trích (Sardine, Sardinops spp) được khai thác/nhập khẩu sau ngày 1/12/2022 sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác (Catch Certificate) hoặc xác nhận cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản.
Để gỡ bỏ những khó khăn có thể gặp phải, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã đề nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của Việt Nam và Nhật Bản để ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi (khai thác, thu mua, vận chuyển, tiếp nhận, chế biến, bảo quản, xuất khẩu) và đảm bảo thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc.
Cùng đó, các doanh nghiệp xem xét giao bộ phận đảm bảo chất lượng để liên kết với các bộ phận khác của doanh nghiệp, tránh tình trạng đứt gãy thông tin, dữ liệu gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ và thực tế sản xuất. Đồng thời xây dựng thủ tục và tổ chức theo dõi trừ lùi/cấn trừ và có đối chiếu dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất cho nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu… nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU, đảm bảo chống lẫn lộn giữa các lô nguyên liệu đưa vào sản xuất, giữa lô nguyên liệu đáp ứng quy định IUU và chưa đáp ứng đầy đủ quy định IUU…
Cũng theo bà Hằng, hy vọng từ quý II/2023 kinh tế của các nước dần dần khởi sắc, trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu và nguồn lực, sẵn sàng trở lại sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu khi thị trường hồi phục.
>> Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra giảm 50%; tôm giảm 46%; cá ngừ giảm 32%; riêng mực, bạch tuộc tăng trưởng dương 4%, các loài cá biển khác tăng 6%…
Bảo Hân
Bình luận gần đây