Cơ hội cho thủy sản sau rào cản thương mại toàn cầu

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến tăng 1,7% trong năm nay, sau mức tăng trưởng 2,7% vào năm 2022. Dự báo năm nay thấp hơn nhiều với với tốc độ tăng trưởng trung bình 2,6% hàng năm kể từ khi thương mại sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

WTO dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay từ mức 3% vào năm 2020 và 5,9% vào năm 2021 và lạm phát là nguyên nhân chính cản trở tăng trưởng thương mại. Mặc dù, giá lương thực và năng lượng đã bắt đầu hạ nhiệt so với thời điểm kỷ lục đầu năm 2022, nhưng vẫn đang ở mức cao hơn thời điểm trước xung đột. Thu nhập của người dân châu Âu cũng giảm mạnh cùng với nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ralph Ossa, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại WTO nhận định, sụt giảm nguồn cung ban đầu do chiến sự tại Ukraine đã châm ngòi lạm phát và giảm tăng trưởng thương mại. Sau đó, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, nhằm kiềm chế lạm phát đã làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa và xói mòn thêm tăng trưởng thương mại. “Đây cũng là những mối liên hệ chính mà tôi thấy trong tương lai, cụ thể tăng trưởng thương mại sẽ phụ thuộc phần lớn vào lộ trình thắt chặt tiền tệ và các tác động của nó đối với tổng sản phẩm quốc nội”, theo Ralph Ossa.

Ảnh: Thenation

WTO dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ mạnh dần lên mức 3,2% vào năm 2024. Nhưng đi kèm theo nó là những cảnh báo rủi ro đáng kể, bao gồm bùng phát căng thẳng địa chính trị và mất an ninh lương thực. Các nhà kinh tế của WTO cho biết, hệ quả khó lường từ các chính sách thắt chặt tiền tệ, bất ổn tài chính và mức nợ cao hơn là nhiều mối đe dọa khác có thể xảy ra.

Khả năng phục hồi

Trung Quốc mở cửa lại sau gần 3 năm kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt sẽ giúp giải tỏa áp lực cho nhiều nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, những tác động từ chính sách tích cực này của Trung Quốc với thị trường toàn cầu đến đâu lại phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Alex Holmes, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics ở Singapore cho biết, dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2023 cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế đã không được như kỳ vọng sau khi các biện pháp kiểm soát COVID-19 được dỡ bỏ. Ông cho biết thêm, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia châu Á khác phụ thuộc vào nhu cầu của phương Tây đối với hàng hóa của Trung Quốc. Vì một phần hàng hóa châu Á sang Trung Quốc là linh kiện và vật liệu dùng trong sản xuất. Ông nhận định, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là tín hiệu tích cực kéo thị trường toàn cầu đi lên, nhưng mức độ đi lên đến đâu thì cần thêm thời gian mới biết rõ được.

Tại châu Á, các cường quốc xuất khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận tình trạng sụt giảm doanh số bán hàng ở nước ngoài trong nhiều tháng do lạm phát và lãi suất tăng. Nhiều khảo sát thị trường của các nhà sản xuất châu Á trong tháng 3/2023 đã ghi nhận số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh – dấu hiệu cho thấy đợt suy yếu thương mại có thể tiếp diễn.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, giao dịch hàng tiêu dùng và ô tô đi xuống khiến nhập khẩu trong tháng 2/2023 giảm 1,5% so tháng trước xuống 321,7 tỷ USD trong khi xuất khẩu giảm 2,7% còn 251,2 tỷ USD. Thâm hụt thương mại Mỹ đã tăng 2,7% lên 70,5 tỷ USD. Những con số này báo hiệu tăng trưởng kinh tế đang chững lại và đối mặt đợt giảm tiếp theo trong quý II/2023, theo Andrew Hunter, một chuyên gia kinh tế tại Capital Economics.

WTO cho biết, mặc dù hoạt động thương mại chậm lại trong quý IV/2022 nhưng thương mại toàn cầu năm 2022 vẫn phát triển tốt hơn so với những dự báo bi quan được đưa ra ngay sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ. Điều này chứng tỏ khả năng phục hồi của thương mại trước những cú sốc kinh tế. Ví dụ, các lô hàng khí đốt tự nhiên của Nga đến Tây Âu đã bị cắt, nhưng các nước nhập khẩu có thể mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp khác gồm Mỹ và Qatar. Trong khi đó, các nước nhập khẩu ròng thực phẩm có thể sử dụng hàng hóa và nhà cung cấp thay thế. Ví dụ, Ethiopia đã mua lúa mỳ Mỹ và Argentina để bù cho lượng nhập khẩu giảm mạnh từ Nga và Ukraine.

Cú huých cho thủy sản

Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh xuất khẩu. Các phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch tại Trung Quốc cũng đang có nhu cầu rất lớn đối với hàng thủy sản tươi sống nhập khẩu.

Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều thủy sản nhất. Tiêu thụ thủy sản của nước này chiếm 45% khối lượng toàn cầu, tương đương 65 triệu tấn trong tổng số 144 triệu tấn. Tiếp theo là châu Âu 13 triệu tấn, Nhật Bản 7,4 triệu tấn, Mỹ 7,1 triệu tấn và Ấn Độ 4,8 triệu tấn.

Theo nhiều chuyên gia, xu hướng tiêu dùng thế giới đang tập trung vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Vì thế, các sản phẩm thủy sản từ mô hình kinh tế xanh, bền vững có sức hút rất lớn. Lạm phát là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nhiều loài thủy sản có giá hợp túi tiền người tiêu dùng thu nhập thấp. Do đó, các hãng sản xuất cần nắm bắt sự thay đổi của các thị trường để thích ứng và có chiến lược phù hợp.

>> Theo báo cáo “Sự thay đổi khẩu vị của người Trung Quốc” của Rabobank, trong vài năm tới, Trung Quốc có khả năng trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản trị giá 20 tỷ USD. Sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc được cải thiện là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản toàn cầu. Hiện, Ecuador và Ấn Độ đang chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc với thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ.

Đan Linh

(Tổng hợp)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *