Kiểm soát, ngăn chặn nhập khẩu tôm hùm giống trái phép

Bộ NN&PTNT cho rằng, tôm hùm giống vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu tại các sân bay quốc tế (sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất) và qua một số địa phương có chung biên giới với Campuchia; dẫn đến khả năng xâm nhiễm mầm bệnh đốm trắng và bệnh sữa, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ tôm hùm giống trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; ngày 11/9, Bộ NN&PTNT có Công văn số 6361/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; đồng thời khẩn trương tổ chức các biện pháp cụ thể.

Bộ NN&PTNT yêu cầu xử lý nghiêm việc vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào Việt Nam. Ảnh: ST

Theo đó, các biện pháp bao gồm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biển… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam. Trường hợp bắt được các lô hàng tôm hùm giống vận chuyển bất hợp pháp thì phải xử lý ngay theo quy định hiện hành.

Cùng đó, đề nghị lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào Việt Nam. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép tôm hùm giống.

Đề nghị lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam, tôm hùm giống không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ NN&PTNT đề nghị quan tâm khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên và thường xuyên thông báo về Bộ để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Qua giám sát, cách ly kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu của Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y), từ ngày 21 – 30/6, có 5 lô hàng của 3 công ty trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhập khẩu gần 1,4 triệu con tôm hùm giống từ Malaysia bị phát hiện nhiễm virus gây bệnh đốm trắng. Để ngăn ngừa tôm giống không đảm bảo sạch bệnh nhập khẩu vào Việt Nam, việc cấp phép nhập khẩu tôm hùm giống từ nước có lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam đã bị tạm dừng. Đồng thời, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được yêu cầu không nhập khẩu tôm hùm giống từ các nhà cung cấp, đối tác đã có lô hàng dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng… Từ đầu tháng 7 đến nay, không có tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm giống về theo dõi, cách ly tại tỉnh.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, tôm hùm là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh, với khoảng 65.000 lồng nuôi, sản lượng mỗi năm hơn 1.300 tấn. Việc đảm bảo tôm giống chất lượng, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong tỉnh là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm phát triển bền vững nghề nuôi này. Trước nhu cầu tôm giống hiện nay, các cơ quan chức năng cấp trên cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu tôm hùm giống từ các nước về Khánh Hòa để phục vụ nghề nuôi trong tỉnh.

Vân Anh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *