Thắng lợi từ nuôi tôm vụ đông

Kim Sơn là một huyện có rất nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Ninh Bình nhất là với con tôm. Thời gian qua, các hộ dân tại địa phương đã triển khai nhiều mô hình nuôi tôm tân tiến; như nuôi tôm công nghệ cao thâm canh trên ao nổi, nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) siêu thâm canh trong nhà bạt. Các mô hình áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, lọc sinh học bằng các chủng vi sinh vật có lợi đảm bảo thời gian nuôi quanh năm. 

Nuôi tôm vụ đông đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao cùng với bề dày kinh nghiệm của người nuôi để mang lại hiệu quả cao nhất. Ảnh: Mai Chiến

Là một trong những hộ tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, anh Dương Viết Luynh (thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) từ năm 2016 đã bắt đầu nuôi tôm theo hướng thâm canh trên ao nổi ứng dụng công nghệ cao. Theo anh Luynh, ban đầu khu vực Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) người dân chỉ nuôi tôm trên ao đất, sau đó một số hộ chuyển sang nuôi tôm vụ đông trong nhà bạt nhỏ. Thấy nuôi tôm vụ đông có giá trị cao, anh đã rút kinh nghiệm từ các hộ đi trước để xây dựng mô hình nuôi với hệ thống nhà kín một cách bài bản. Anh Luynh chia sẻ, mô hình của anh được phát triển theo hướng siêu thâm canh với diện tích khoảng 25.000 m2, trong đó có khoảng 3.000 m2 bể xử lý nguồn nước, 16.000 m2 bể chứa nước và 6.000 m2 nuôi tôm, cho sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 40 – 45 tấn. Mô hình của anh Luynh không áp dụng cố định quy trình nuôi 3 giai đoạn như mô hình siêu thâm canh thông thường, mà căn cứ vào tình hình thời tiết để tăng thêm nhiều giai đoạn nữa. Trong đó, khâu xử lý nước được quan tâm hơn cả. Đặc biệt, nhờ nuôi trong nhà kín, hệ 

thống cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, quy trình kỹ thuật nuôi chặt chẽ nên hiện nay anh Luynh có thể nuôi được tôm phát triển tốt trong mùa đông. 

Theo đánh giá của ông Phạm Huy Trung, Chi cục Thủy sản Ninh Bình, các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao như của anh Luynh đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành thủy sản tỉnh Ninh Bình. Trước đây, nuôi tôm quảng canh chỉ thu được 2 tấn/ha, nhưng khi ứng dụng công nghệ cao năng suất có thể đạt trung bình hơn 10 tấn/ha và có thể nuôi 3 vụ/năm, chất lượng con tôm luôn được đảm bảo. 

Gắn bó với con TTCT từ năm 1998, từ một hộ nuôi truyền thống nhỏ lẻ thu nhập thấp, đến nay ông Cao Văn Ba (xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã sở hữu mô hình nuôi TTCT với quy mô tới 5 ha ứng dụng công nghệ cao. Đây chính là mô hình nuôi tôm công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện Giao Thủy. Ông Ba chia sẻ: “Chúng tôi đang nuôi tôm mùa đông. Khoảng từ tháng 9 đến đầu tháng 10 (âm lịch) thì bắt đầu lợp mái lên để giữ nhiệt cho ao nuôi. Để làm sao cho ở bên ngoài nhiệt độ vào khoảng 150C thì ở trong sẽ khoảng 250C. Có như vậy thì mới đảm bảo được nhiệt độ để con tôm phát triển tốt. Nếu không lợp mái và không làm nhà bạt thì con tôm khi lột ra nhiệt độ thấp dễ bị chết và tôm sẽ không lớn được”. 

Để thu được lợi nhuận cao, ông Ba thường chọn thả nuôi tôm từ tháng 6 (âm lịch) rải rác cho đến tháng 9 (âm lịch), tôm sẽ cho thu hoạch từ tháng 10 (âm lịch). Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng năm thu nhập từ nuôi tôm của gia đình ông Ba đạt hàng tỷ đồng. Từ năm 2018 – 2022 đạt doanh thu 6 tỷ đồng/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2023 thu hoạch 60 tấn TTCT đạt 14 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 6 tỷ đồng. 

Thời điểm những ngày cuối tháng 10, trên các khu nuôi tôm thương phẩm của xã Diễn Trung (địa phương có diện tích nuôi tôm nhiều nhất huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), nhiều chủ đầm tích cực chăm sóc tôm vụ đông, chờ ngày thu hoạch. Anh Hồ Hoàn Kiếm, ở xóm 9 Diễn Trung đang nuôi thả 1 ha cho biết, nuôi tôm vụ đông rất khó khăn đòi hỏi kỹ thuật nuôi phải thành thạo. Tổng diện tích của gia đình là 2 ha nhưng chỉ thả nuôi 1 ha, còn 1 ha làm ao lắng tạo nguồn nước sạch. Gia đình thường xuyên có người trông coi 24/24h để theo dõi tình trạng của tôm, đồng thời cho tôm ăn đủ chất dinh dưỡng giúp trọng lượng lớn hơn. 

Còn khu nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Hòa (xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim), hệ thống ao nuôi, ao ương, ao xử lý nước đều được bê tông hóa bờ, đáy. Ao nuôi được làm mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, nilon che phủ. Áp dụng công nghệ mới giúp ao nuôi chống rét, giữ ấm về mùa đông và chống nắng vào mùa hè, nhiệt độ ao luôn đảm bảo cho con nuôi sinh trưởng, phát triển. Do vậy, ngoài sản xuất 2 vụ chính như các hộ nuôi quảng canh khác, anh Hòa còn sản xuất thêm 1 vụ TTCT trong vụ đông. Qua hơn 3 năm sản xuất cho thấy, đây là mô hình phù hợp và cho hiệu quả kinh tế rất cao với năng suất đạt 20 tấn/ha. 

Nuôi tôm vụ đông gặp rất nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao cùng với bề dày kinh nghiệm của người nuôi thật chuẩn; bên cạnh đó, thời gian nuôi tôm vụ đông kéo dài hơn các vụ khác khoảng 1,5 tháng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, ngành chức năng huyện Diễn Châu khuyến khích người dân đầu tư nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi trong nhà màng, bể nổi, công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn. Vụ đông này, ngoài 10 ha ao đầm trong nhà lưới, Diễn Châu còn có khoảng 90 ha ao đầm ngoài trời được nuôi thả tôm thương phẩm. Do người dân có kinh nghiệm với nghề nuôi tôm, bà con không thả một lần, mà rải vụ, nên thường xuyên có tôm bán với giá cao hơn nhiều so với tôm vụ chính. 

Hồng Hạnh

(Tổng hợp)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *