Vững tin phía trước
Suy giảm về giá
Năm 2023, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chịu sức ép lớn về xu thế giá giảm. Suy thoái kinh tế thế giới, chiến tranh xung đột ở nhiều khu vực trên toàn cầu, chi phí vận chuyển cao… khiến việc tiêu thụ khó khăn, đồng thời người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu.
Ngành thủy sản được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2024, tuy nhiên chưa thể kỳ vọng vào một sự bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Tính bình quân, giá nhập khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ giảm khoảng 10% trong năm 2023. Trong 10 tháng đầu năm, nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc giảm 15%, thị trường Nhật giảm 14%, đặc biệt thị trường Mỹ giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022…
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam 11 tháng 2023 giảm gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,7 tỷ USD. Giá xuất khẩu trung bình cá tra fillet đông lạnh sang thị trường Mỹ trong tháng 9/2023 chỉ còn 3,04 USD/kg, giảm 8,8% so với tháng 8/2023 và giảm tới 37% so với tháng 9/2022.
Mặt hàng tôm cũng giảm giá mạnh. Doanh nghiệp cho biết, sản lượng xuất khẩu đạt 107% nhưng giá trị chỉ đạt 89% so với năm 2023, chủ yếu vì giá tôm giảm khoảng 10% so với năm trước.
Cạnh tranh sản lượng
Ngoài những yếu tố về suy thoái kinh tế và nhu cầu tiêu dùng thì sức ép từ cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Theo Báo cáo tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC), nếu từ năm 2015 trở về trước, sản lượng cá tra của Việt Nam thường chiếm trên 99% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn thế giới thì tới năm 2023, sản lượng cá tra của Việt Nam chỉ còn chiếm tỷ trọng 52% trong tổng sản lượng cá tra toàn cầu.
Sản lượng cá tra tại Ấn Độ năm 2023 đạt khoảng 668.000 tấn và dự kiến đạt 695.000 tấn trong năm 2024, tăng 5% trong năm sau. Indonesia đạt sản lượng hơn 224.000 tấn trong năm 2023 và dự kiến 2024 là 229.000. Sản lượng cá tra ở Trung Quốc đạt 400.000 tấn mỗi năm.
Ước tính tổng sản lượng cá tra toàn cầu năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với 2,9 triệu tấn sản xuất năm 2022. Nhiều doanh nghiệp cho biết, giờ đây Việt Nam không còn cảnh “một mình một chợ” tự quyết được về giá cá tra trên thị trường. Ngành cá tra chắc chắn phải chuyển sang giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ về giá thành, thương hiệu và chất lượng phục vụ trên trường quốc tế.
Ngành tôm thế giới cũng giữ xu thế tăng trưởng. Sản lượng tôm nuôi của thế giới trong năm 2023 giảm 0,4%, đạt khoảng 5,6 triệu tấn so với năm 2022, nhưng dự kiến sẽ tăng khoảng 4,8% trong năm 2024, đạt 5,88 triệu tấn.
Tìm hướng thích ứng
Trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới ngày càng cạnh tranh quyết liệt, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để phát triển trong giai đoạn mới.
Ngành cá tra thời gian qua cũng đối diện không ít khó khăn; do đó, để có thể đưa ngành cá tra vượt qua các rào cản, thách thức, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nêu ra hai vấn đề quan trọng cần giải quyết, đó là kiểm soát chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh. Cụ thể, về kiểm soát chất lượng sản phẩm, Hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan phải vào cuộc kiểm tra để bảo vệ chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành cá tra Việt Nam. Cùng đó là có giải pháp căn cơ kéo giảm giá thành sản xuất: giảm tỷ lệ hao hụt, tăng trưởng nhanh, giảm dịch bệnh, hệ số thức ăn thấp. Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất vào tất cả các công đoạn của quy trình nuôi (thức ăn, vật tư thiết yếu, công nghệ thu hoạch…) và quy trình chế biến tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho ngành hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam. Đồng thời, tập trung phát triển các thị trường chủ lực và đàm phán để mở cửa thị trường nhập khẩu tiềm năng…
Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang) nhận định, hiện nay, mặc dù tình hình tiêu thụ thủy sản trên thế giới đã tốt lên, song giá cả xuất khẩu các sản phẩm cá tra ra châu Âu, châu Á, Mỹ… tăng chậm và còn dao động ở mức thấp, khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn giao hàng. Trước mắt, doanh nghiệp nỗ lực đàm phán để nâng giá xuất cho nhu cầu tiêu thụ đón năm mới 2024; đồng thời mở thêm các thị trường tiềm năng. Một khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng lên sẽ kéo giá tăng theo và việc đẩy mạnh xuất khẩu mới có hiệu quả. Hoạt động của năm 2023 gặp những khó khăn nhất định; thế nhưng doanh nghiệp đã lên kế hoạch đảm bảo lương và chế độ thưởng Tết Nguyên đán 2024 đầy đủ cho tất cả nhân viên và công nhân lao động.
Cùng với cá tra, sản phẩm chủ lực khác của ngành thủy sản là con tôm cũng đang phải chật vật vượt sóng gió để đạt được mục tiêu mang về kim ngạch 3,6 tỷ USD từ xuất khẩu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, trước mắt cần tận dụng lợi thế địa lý để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, nhất là tôm sú. Ở thị trường châu Âu cần tăng cường xuất tôm hữu cơ, các mặt hàng giá trị gia tăng; đồng thời tận dụng triệt để lợi thế từ Hiệp định EVFTA nhằm tăng sức cạnh tranh… Về lâu dài phải giải cho được bài toán về chất lượng con giống suy giảm, chi phí đầu vào cao, chi phí logistics cao, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh… dẫn đến giá thành tôm của Việt Nam cao hơn thế giới, gây bất lợi về cạnh tranh.
Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã và đang cùng chung tay nỗ lực tìm các giải pháp giảm giá thành sản xuất, với giải pháp căn cơ là tạo ra các chuỗi liên kết nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu để giảm thiểu các chi phí trung gian.
Trong tháng 12/2023, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á – Âu… Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản vào vụ thu hoạch.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tổ chức các hoạt động, như: diễn đàn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử (Postmart, Shopee, Tiki, Lazada, Tiktok, Zalo…) đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP…
>> Năm 2022, xuất khẩu thủy sản bùng nổ, tôm cá đua nhau lập kỷ lục lịch sử. Nhưng với diễn biến hiện nay, VASEP nhận định, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022, tức kim ngạch giảm khoảng 2 tỷ USD. Theo đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, ít hơn 21% so với năm ngoái; cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%; cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%…
Nguyễn Anh – Hồng Hạnh
Bình luận gần đây