Bứt phá tại các thị trường trọng điểm

Phát triển bền vững vùng nguyên liệu

Trong hai năm qua, hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và các nước xuất khẩu thủy sản khác. Tình hình giá nguyên liệu tăng sản lượng xuất khẩu giảm và chi phí sản xuất tăng khiến nhiều quốc gia lao đao.

Trong bối cảnh COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quyết sách kịp thời, ngăn chặn thành công đại dịch bùng phát tại các khu vực phát triển ngành thủy sản nhất là tại ĐBSCL. Năm 2021, chỉ sau một tháng ảnh hưởng đại dịch, việc nuôi trồng và chế biến thủy hải sản đã nhanh chóng được khôi phục. Nhờ đó, sản phẩm thủy sản của Việt Nam khá dồi dào, cung ứng cho thị trường vào đầu năm 2022 tạo ra những bước phát triển ngoạn mục.

Xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng mạnh trước nhiều thách thức. Ảnh: PTC

Tổng sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 ước 2,6 triệu tấn, tăng 2,2% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó khai thác đạt 1,2 triệu tấn, giảm 1%, nhưng sản lượng nuôi trồng ước 1,4 triệu tấn, tăng 5,3%. Sản lượng cá tra 4 tháng ước 468 nghìn tấn, tăng 7%; sản lượng tôm ước 234,6 nghìn tấn, tăng 7,9%; trong đó, TTCT 149,1 nghìn tấn, tăng 13,4%.

Khai thông thị trường: Được mùa được giá

Người nông dân thường nói rằng nghề nông “được mùa thì mất giá”, nhưng thời gian qua ngành thủy sản đã đạt được hai mục tiêu “được mùa, được giá”. Giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng từ tháng 2/2022 là cú hích cho việc phát triển ngành nuôi trồng. Giá TTCT hiện tăng hơn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg tùy loại so với cùng kỳ năm trước.

Sở dĩ diễn ra kịch bản cả người nuôi và nhà máy cùng thắng đó là do nhóm hàng thủy sản xuất khẩu tăng rất mạnh trong khoảng thời gian đầu năm 2022, đồng thời giá tôm, giá cá tra trên các thị trường đều tăng. Giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu cá tra trung bình sang thị trường Mỹ lên hơn 4,5 USD/kg, lập mức đỉnh kỷ lục và kim ngạch 4 tháng đầu năm đạt 894 triệu USD, tăng 89,4% cùng kỳ. Mặt hàng tôm thì mang về 1,339 tỷ USD, tăng 38,6%.

Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh và chiến tranh nổ ra trên thế giới là kết quả của chiến lược kiên trì mở rộng thị trường, thực thi các hiệp định thương mại tự do. Điều mà ngành thủy sản Việt Nam đã “đi trước” nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Điển hình nhất là Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã làm thay đổi cơ bản cách tiếp cận vào thị trường này. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á cho EU (sau Trung Quốc). Với nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU trên 50 tỷ USD/năm thì việc mở rộng thị trường EU đã và đang giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh, bất chấp chiến sự xảy ra tại châu Âu giữa Nga và Ukraine.

Tiếp đà phát triển

Theo các chuyên gia, hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối đầu với không ít thách thức, điển hình là “thẻ vàng” của EU trong khai thác đánh bắt. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch chiến lược tiếp tục giảm sản lượng đánh bắt và tăng sản lượng nuôi trồng, để tạo ra một ngành thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường. Việc khai thác thủy, hải sản trong tự nhiên đang được kiểm soát nghiêm ngặt để gỡ “thẻ vàng”.

Cùng đó, việc hội nhập vào các hiệp định thương mại tự do cũng bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các vùng nuôi phải tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, đảm bảo các yêu cầu khắt khe trong xuất khẩu. Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu. Cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa tới hồi kết, sau sự ngưng trệ của hoạt động giao thương thì nay xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này đã kết nối trở lại. Ngoài ra, mới đây Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này, đưa số nhà máy cá tra đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ lên con số 19 nhà máy. Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ước đạt 243 triệu USD, tăng hơn 130% so cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam cũng đang tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng. Phụ phẩm từ chế biến thủy sản khoảng 1 triệu tấn (chiếm 15 – 20% so với tổng sản lượng thủy sản chế biến), đã và đang được chế biến thành các sản phẩm hữu ích.

Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án Phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, trong đó đã định hướng và giao nhiệm vụ các bộ ngành nhằm phát triển ngành chế biến thủy sản nói chung, sử dụng và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm thủy sản giúp khai thác triệt để giá trị của sản phẩm nuôi trồng để người nông dân tăng thêm thu nhập và lợi nhuận.

Nguyễn Anh

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *