Xuất khẩu cá tra lập đỉnh mới

Tổng cục Thủy sản cho biết, ước tính cả năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, tăng tương ứng 4% và 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.

Ảnh: Vũ Sinh

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng nuôi trồng trên cả nước. Giá trung bình xuất khẩu cá tra fillet tăng từ 28 – 66%. Giá cá tra nguyên liệu từ 27.000 – 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 1997 lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ thu về 1,6 triệu USD. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỷ USD. Đến 10 năm sau, xuất khẩu cá tra vượt mốc 2 tỷ USD vào năm 2012. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra năm 2022 với 2,4 tỷ USD đã vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, rất tự hào vì kim ngạch xuất khẩu đạt cột mốc mới, nhưng vấn đề đặt ra là mỗi lần xuất khẩu đạt đỉnh mới thì sẽ báo hiệu một chu kỳ đi xuống. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến cần phải tập trung giá trị gia tăng, không chạy theo tăng trưởng sản lượng. Hiện nay, sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra chỉ chiếm 4%, còn lại chủ yếu là fillet. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp lớn đi đầu trong chế biến sâu, mang lại giá trị lớn, đặc biệt là giải quyết bài toán tận dụng phế, phụ phẩm để tăng giá trị cho ngành hàng cá tra.

Cả nước hiện có 105 cơ sở sản xuất giống tập trung tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp; có 2.570 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An.

Bình An

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *