Năm 2023: Nhiều khó khăn đang chờ

PV: Là một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm thuộc top 10 cả nước và cũng là một trong số ít doanh nghiệp có được vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao riêng quy mô hàng trăm ha, ông có nhận xét gì về vụ tôm nước lợ năm 2022 này?

Ông Võ Văn Phục: Về tổng quan mà nói, vụ tôm nước lợ năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung đã kết thúc một cách thành công cả về cả nuôi trồng lẫn chế biến, xuất khẩu. Đối với tỉnh Sóc Trăng, theo báo cáo của ngành nông nghiệp thì vụ tôm năm nay sản lượng thu hoạch tiếp tục có sự tăng mạnh so với năm 2021. Chính điều này đã giúp các doanh nghiệp có đủ tôm chế biến suốt cả năm và tiếp tục duy trì được kim ngạch xuất khẩu ở mức trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu có nuôi tôm hay thường xuyên tiếp xúc với người nuôi tôm trong tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực, mới thấy đây là một năm hết sức khó khăn, vất vả đối với người nuôi. Điều này được phản ánh qua số liệu báo cáo của ngành chức năng về tỷ lệ hộ nuôi có lãi là không nhiều và mức lãi cũng không cao. Riêng đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, 4 tháng cuối năm hết sức khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhưng nhờ tăng trưởng mạnh trong hơn 8 tháng đầu năm nên nhìn chung kết quả cả năm là chấp nhận được.

Nhà máy chế biến tôm Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam tại Sóc Trăng. Ảnh: Phan Thanh Cường

PV: Theo ông, khó khăn lớn nhất của vụ tôm nước lợ năm 2022 là gì?

Ông Võ Văn Phục: Đối với lĩnh vực nuôi, khó khăn dễ nhận thấy nhất đầu tiên là hầu như tất cả chi phí đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm xử lý môi trường… đều tăng rất mạnh. Thứ hai là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thất thường, nhất là ảnh hưởng của 2 cơn bão vào tháng 3 gây mưa liên tục trong 10 ngày, khiến môi trường biến động mạnh, đặc biệt là độ mặn trên hệ thống kênh cấp nước vùng nuôi tôm đến đầu tháng 5 là gần như không còn. Thứ ba là từ sự biến động của môi trường do thời tiết đã làm cho dịch bệnh phát triển nhanh, rộng khắp các vùng nuôi và kéo dài đến tận thời điểm hiện nay, nên phần lớn diện tích thả nuôi từ tháng 3 trở đi đều bị nhiễm một số bệnh nguy hiểm, như: thân đỏ đốm trắng, phân trắng, EHP, EMS… Tuy nhiên, rất may là nhờ giá tôm ổn định ở mức cao xuyên suốt cả năm nên người nuôi tôm mới có động lực thả nuôi và ngành tôm Sóc Trăng nói riêng, cả nước nói chung mới có được kết quả thành công như các báo cáo đã nêu.

PV: Ông có thể chia sẻ về kết quả vụ nuôi năm 2022 của Công ty CP Thủy sản sạch được không, thưa ông?

Ông Võ Văn Phục: Đối với trang trại nuôi tôm của Công ty chúng tôi, ngay từ những tháng đầu năm, chúng tôi đã có vụ nuôi đầu tiên rất thành công, khi đưa được tôm về kích cỡ lớn, nên sản lượng cũng khá cao. Tuy nhiên, khi bước vào vụ nuôi thứ 2, do bị bất ngờ trước biến đổi bất thường của thời tiết nên kết quả không được như ý. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ vụ nuôi này, Công ty cũng đã tìm ra giải pháp khắc phục, nên nếu tình trạng như ở vụ 2 vừa rồi có xảy ra trong năm 2023 thì cũng không đáng lo. Đó là về vấn đề thời tiết, còn vấn đề hết sức quan trọng mà để giải quyết tốt cần có sự can thiệp của ngành chức năng, đó là vấn đề chất lượng con giống. Chúng tôi đã có đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra con giống, nhưng gần như không mấy được quan tâm. Và nếu cứ để con giống mang mầm bệnh không được kiểm soát lưu hành đến tay người nuôi thì hết sức nguy hiểm cho cả ngành tôm trong năm 2023 và những năm sau nữa.

PV: Theo ông, liệu những khó khăn về dịch bệnh của năm 2022 có khả năng kéo dài sang vụ tôm năm 2023?

Ông Võ Văn Phục: Rất khó để đưa ra nhận định chính xác về vấn đề này, bởi tất cả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tác động, kể cả trực tiếp và gián tiếp, nhưng theo nhận định của cá nhân tôi, vụ tôm nước lợ năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. Trước hết là khả năng dịch bệnh kéo dài sang vụ nuôi 2023 là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, dịch bệnh này phát sinh theo mùa và thường nghiêm trọng vào mùa mưa. Do đó, nếu người nuôi có kinh nghiệm, khi đã bị nhiễm ở vụ nuôi 2022, họ sẽ vệ sinh ao nuôi thật kỹ càng, thì dịch bệnh sẽ hết hoặc hạn chế được bệnh phát sinh mạnh, còn nếu không thì bệnh sẽ duy trì tiếp tục trong ao nuôi, vùng nuôi. Thứ hai là bệnh này theo mùa, nên nếu năm 2023 thời tiết vẫn bình thường thì vụ thuận vẫn sẽ tốt, với điều kiện ao nuôi đã được vệ sinh thật kỹ. Nói chung là khả năng phụ thuộc vào ông trời, kinh nghiệm người nuôi và đặc biệt công tác quản lý chất lượng con giống của ngành chức năng và các địa phương.

Thu hoạch tôm tại Sóc Trăng. Ảnh: Thúy An

PV: Những ngày qua, tình hình tiêu thụ tôm đang rất khó khăn và điều này đang khiến người nuôi tôm khá lo lắng trước khi bước vào vụ nuôi mới. Vậy theo ông, cơ hội cho người nuôi tôm và cả ngành tôm trong năm 2023 liệu có khả quan?

Ông Võ Văn Phục: Như chúng ta đã biết, khó khăn hiện hữu của ngành tôm là do khủng hoảng nhu cầu, mà nguyên nhân sâu xa là tình hình lạm phát toàn cầu đang tăng cao. Vì vậy, các nước nhập khẩu ép giá mua thấp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận bán để duy trì hoạt động, quay vòng đồng vốn, nếu không sẽ đóng cửa nhà máy. Một khi xuất khẩu khó khăn sẽ kéo theo nguy cơ cho người nuôi về giá. Trong vụ tôm mới 2023, một điều gần như chắc chắn là chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng, trong khi thời tiết, dịch bệnh thì chưa đoán định được, còn giá tôm theo tôi, nếu xuất khẩu gặp khó thì sẽ rất thấp. Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán, còn thực tế cũng có thể có những thay đổi bất ngờ mà mình không thể biết trước được, chẳng hạn như xung đột Nga – Ukraine kết thúc sớm, hay lạm phát tại một số thị trường chính của con tôm Việt Nam được khống chế, kinh tế hồi phục… thì tình hình sẽ khác. Đây là điều chúng ta đang kỳ vọng bởi nếu không sẽ là thảm họa tiếp cho ngành tôm trong năm 2023.

Xuân Trường

(Thực hiện)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *