Mở rộng cơ hội giao thương nông sản với thị trường Trung Quốc
Chương trình nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực xuất khẩu nông, thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, đồng thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác lĩnh vực kinh tế thương mại giữa 2 nước. Theo đó, đã có khoảng 60 doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh lân cận và 11 doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây và thủy sản của Trung Quốc tham dự.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương đánh giá, Quảng Tây có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quảng Tây là một trong những cửa ngõ quan trọng hàng đầu để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông, thủy sản thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Cần nâng cao năng lực xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Gia Bảo
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm, điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước hai bên cần hỗ trợ kết nối, mở rộng các cơ hội hợp tác kinh doanh để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Bộ Công thương và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây luôn phối hợp chặt chẽ để tạo thuận lợi thương mại song phương đặc biệt là thương mại nông sản và đã đưa việc tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam vào Danh mục nhiệm vụ trọng tâm giữa hai bên để thực hiện trong năm 2023.
Trong thời gian qua, Bộ Công thương và Sở Thương mại Quảng Tây đã phối hợp mời các doanh nghiệp Quảng Tây hoạt động trong lĩnh vực thương mại nông sản, thủy sản tham gia Hội nghị này, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, nơi đây được biết đến là tỉnh nông nghiệp với vùng nguyên liệu dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng như: lúa gạo, cá tra, trái cây…; thời gian qua, Đồng Tháp đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời định hướng lấy công nghiệp chế biến làm động lực phát triển. Chất lượng nông, thủy sản của Đồng Tháp ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất và cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh; trong đó nổi bật là nhóm hàng cá tra.
Hiện tại, Đồng Tháp có 27 doanh nghiệp với 28 dự án chế biến cá tra fillet xuất khẩu, tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm, thu hút trên 20.000 lao động; đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất an toàn trong nước và quốc tế (BRC, ISO, HACCP…). Cùng đó là 13 doanh nghiệp chế biến phụ phẩm từ cá tra, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như collagen, dầu cá, bột cá, mỡ cá…; với công suất thiết kế khoảng 350.000 tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 80.000 tấn bột cá, mỡ cá; khoảng 1.800 tấn collagen và 17.700 tấn dầu cá.
Trong khuôn khổ Chương trình, các doanh nghiệp hai bên đã nhiệt tình trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác và theo thông tin doanh nghiệp phản hồi, một số doanh nghiệp đã đạt được kết quả hợp tác thực chất trong tương lai.
>> Theo Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng nhiều nhất, đạt 21,9%; Mỹ chiếm 20,4% và Nhật Bản 7,6%.
Vân Anh
Bình luận gần đây