Thủy sản cuối năm cần tăng tốc để về đích
Sản lượng có tăng chậm nhưng xuất khẩu lại giảm
Theo số liệu thống kê của Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 5.930,9 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 65,5% kế hoạch năm nay. Trong khi đó, sản lượng khai thác tháng 8 ước đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5%. Lũy kế 8 tháng, sản lượng ước đạt 2.634,1 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ, trong đó, khai thác biển đạt 2.510,6 nghìn tấn, khai thác nội địa 123,5 nghìn tấn. Về phạm vi nuôi trồng trong tháng 8, sản lượng nuôi trồng ước đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, sản lượng ước đạt 3.296,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban Cục Thủy sản. Ảnh: Thùy Khánh
Qua những con số này có thể thấy rằng mặc dù sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 8 tháng đầu năm nay có xu hướng tăng nhưng vẫn tăng chậm. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề quá lo ngại mà trăn trở nhất đó là xuất khẩu thủy sản giảm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 ước đạt 750 triệu USD, lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 5.682 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 56,8% kế hoạch năm nay. Trước những tín hiệu lạc quan từ thị trường Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tăng trong dịp cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu để xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng, phát triển bền vững, chuyển dịch có giá trị.
Khai thác thủy sản cũng đứng trước những tác động bất lợi từ thời tiết khi mùa mưa lũ miền Trung, miền Nam đang tới gần. Do vậy các đơn vị cũng cần bám sát thời tiết, môi trường để có những chỉ đạo kịp thời tới người dân. Công tác chấn chỉnh tàu thuyền ra vào cảng, ghi nhật ký hành trình theo quy định của pháp luật không được lơ là. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quý 4 cần triển khai quyết liệt đó là cập nhật nhật ký điện tử trên hệ thống, công khai minh bạch tàu ra vào và sản lượng đánh bắt.
Tập trung cho cuối năm, từ tổng thể đến chi tiết
Liên quan đến công tác khai thác thủy sản, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản cho biết: 8 tháng đầu năm tình hình khai thác trên các vùng biển chỉ ở mức cầm chừng do gió mùa Tây Nam, hiện tượng Elnino khiến cho năng suất không cao, lao động ít đi biển mà lại chuyển sang tham gia vào các hoạt động kinh tế khác dẫn tới thiếu hụt lao động trong ngành. Thời gian tới là mùa của cá ngừ tập trung ở gần bờ miền Trung và Đông Nam Bộ hứa hẹn vụ mùa khai thác đạt chỉ tiêu. Đơn hàng thủy sản nhìn chung giảm nhưng các đơn hàng về khai thác đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc có tăng, nhất là sau sự cố Nhật Bản xả thải từ nhà máy điện hạt nhân.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản có giảm, tuy không đạt theo kế hoạch đề ra nhưng đó cũng là tín hiệu cho ngành tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng kiến nghị sớm triển khai nhật ký điện tử để thuận việc thu mua thủy sản từ ngư dân.
Qua theo dõi lắng nghe các ý kiến từ các đơn vị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, 8 tháng đầu năm 2023, ngành thủy sản đã đồng hành cùng các lĩnh vực khác góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp nói riêng và GDP nói chung. Từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng chỉ đạo cần khẩn trương rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 26, 42, 48 và 67. Rà soát lại tất cả đề án đã được phê duyệt xem vướng mắc ở đâu, vướng ở khâu nào. Cần phân tích kỹ lưỡng đối tượng khai thác, cơ cấu khai thác, cái nào cần khuyến khích tăng, cái nào cần hạn chế. Gắn với vấn đề khai thác chính là IUU, phải tăng cường quản lý vùng tuyến, nhật ký khai thác, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đồng thời cần có sự phối hợp thường xuyên giữa Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Trong nuôi trồng không chỉ nên tập trung vào nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, mà cần đẩy mạnh những đối tượng có tiềm năng phát triển như cá mè, nhuyễn thể, rong biển, bào ngư…Ngoài ra, cần nâng cao sức cạnh tranh bằng cách xem lại cơ cấu giá thành, con giống, thức ăn, dinh dưỡng, hóa chất, khấu hao vật tư, chi phí nhân công…Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần quan tâm đến tính thực tiễn của các đề tài khoa học công nghệ, khuyến nông và liên kết chuỗi.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản: Từ nay đến cuối năm các đơn vị phải nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, làm việc với các cảng cá, vùng nuôi, giành thời gian đến các vùng nuôi, cơ sở nuôi để hỗ trợ tập huấn cho các cơ sở. Hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chậm nuôi biển do vậy rất cần thúc đẩy ngư nghiệp. Nếu như giá tôm giảm thì có thể tư vấn cho bà con chuyển đổi diện tích sang nuôi cá vược cũng có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản: Cần tiếp tục theo dõi thời tiết khi vào mùa mưa bão sắp tới để có hướng dẫn kịp thời tới ngư dân. Đặc biệt cần hoàn thiện hệ thống truy xuất điện tử trước hết là thí điểm với cá ngừ, sau đó áp dụng với các loại khác để thuận tiện hơn trong việc tra cứu. Ngoài ra cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ các tháng cuối năm.
Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản: Tháng 8 giá tôm có tăng so với tháng trước, đây là tín hiệu tốt tạo kỳ vọng cho các đơn hàng cuối năm, là hy vọng để người nuôi yên tâm sản xuất. Tôi đề xuất cần thông tin sớm để người nuôi quyết tâm thực hiện, ngoài ra, cũng nên có dự báo sớm về diễn biến mưa bão, xâm nhập mặn trong năm tới.
Thùy Khánh
Bình luận gần đây