Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gỡ khó xuất khẩu thủy sản
Thách thức xuất khẩu
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 10/2023, với chủ đề “Đồng hành cùng ngành thủy sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu”, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 31/10; ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho hay, 9 tháng qua, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm, có lúc xuống tới âm 27%. Điều quan ngại đó là từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục có nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu bị cạnh tranh, nhất là mặt hàng tôm thẻ chân trắng và cá tra, dù đang chiếm 93% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, nhưng sản lượng xuất khẩu đang bị sụt giảm nhiều từ các thị trường như CPTPP, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh tại các thị trường, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần phải quan tâm đến xu hướng, quy định cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: LHV
Như nhận định của ông Nam, thách thức lớn nhất hiện nay của thủy sản Việt Nam là châu Âu siết chặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trên nguyên tắc các thành phần theo chuỗi khai thác – chế biến trên cạn cũng phải được đánh giá theo tiêu chuẩn của châu Âu. Ngoài ra, bệnh dịch tôm ‘hậu ấu trùng trong suốt’ chưa có phác đồ điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi, khiến sản lượng tôm giảm, giá thành tăng sẽ rất khó cạnh tranh.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, mức tiêu thụ thủy sản bình quân của mỗi người dân châu Âu khoảng 8,1 kg/năm, song Việt Nam đang là quốc gia có giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU giảm mạnh nhất, với con số 32% trong 8 tháng 2023. Trong khi, EU đang quảng bá thủy sản của EU để người dân lựa chọn tiêu thụ với tiêu chí chất lượng, bền vững và thân thiện môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng đến thủy sản nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Ba tháng còn lại của năm 2023, dự báo thị trường EU tiếp tục tăng trưởng nhập khẩu thủy sản, nhưng không đột biến và quay lại mức cùng kỳ năm 2022.
Chủ động ứng phó biến động thị trường
Mặc dù hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp nhiều gian truân, nhưng theo các chuyên gia, một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào những tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu ngành hàng này. Như chia sẻ của đại diện VASEP, riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022, đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay. Đối với mặt hàng tôm – ngành hàng “tỷ đô” – từ chỗ xuất khẩu âm quá 30%, đến nay còn âm chưa đầy 10%.
Theo VASEP, thủy sản Việt Nam hiện nay sẽ không cạnh tranh bằng các sản phẩm thông thường, thay vào đó là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do vậy, mô hình xúc tiến thương mại tại các gian hàng quốc gia cần có thêm hoạt động dùng thử sản phẩm. Đồng thời, Hiệp hội mong muốn Bộ Công thương có phương án hỗ trợ linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả, nhất là quá trình tháo gỡ các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống bán phá giá… Đặc biệt, Bộ sớm tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Đông, kết nối hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phát triển thị trường tại khu vực này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã đề nghị, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động, nắm bắt, phân tích chính sách, nhu cầu thị trường để cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đồng thời tham mưu cho Bộ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Còn trong nước, các đơn vị của Bộ như Cục Xuất nhập khẩu, Phòng vệ thương mại… phối hợp chặt chẽ với hệ thống Thương vụ kịp thời tham mưu xây dựng chính sách ứng phó với biến động thị trường, điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu gắn với định hướng phát triển của doanh nghiệp, địa phương. Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tăng cường phối hợp nhằm đẩy mạnh hoạt động đa dạng hoá thị trường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Về phía VASEP, Thứ trưởng đề nghị hiệp hội chủ động hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại của đơn vị đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững. Chủ động cung cấp thông tin của chính doanh nghiệp để các Bộ, ngành xây dựng, định hướng chính sách phù hợp.
Hải Lý
Bình luận gần đây