Khánh Hòa: Xây dựng chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản
Một góc vùng đìa nuôi ốc hương thương phẩm ở tổ dân phố Đông Hòa (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa)
Giá ốc hương thấp kỷ lục
Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay, người nuôi ốc hương tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh đứng ngồi không yên khi ốc rớt giá sâu, kéo dài kỷ lục. Ông Trần Văn Hà (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi ốc hương, thả hơn 2,5 triệu con giống, tổng chi phí hơn 1,6 tỷ đồng nhưng do tỷ lệ hao hụt cao nên sản lượng chỉ được khoảng 7 tấn ốc. Hiện nay, giá ốc thương phẩm thấp nhưng để gỡ vốn, vừa qua tôi đã chấp nhận xuất 2 tấn ốc kích cỡ 150 con/kg với giá 125.000 đồng/kg và thỏa thuận với thương lái tiếp tục xuất bán 5 tấn ốc còn lại. Nếu bán ốc với giá này tôi lỗ 800 triệu đồng, nhưng chờ 10 ngày không thấy thương lái đến, tôi gọi điện hỏi thì họ bảo ốc không xuất khẩu được, chỉ tiêu thụ nội địa nên giá rất thấp, nếu chấp nhận giá 80.000 đồng/kg thì họ mua”.
Với giá bán 130.000 đồng/kg ốc kích cỡ 130 – 150 con/kg, người nuôi đã bị lỗ
Ông Trần Hải – Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, cao điểm năm trước, trên địa bàn phường có gần 40 ha ao đìa nuôi ốc hương, nhưng thời gian gần đây, do giá ốc hương thương phẩm rất thấp nên người dân không mặn mà với đối tượng nuôi này, hiện nay chỉ còn gần 20ha nuôi cầm chừng. Theo thông tin từ các hộ nuôi, sau một thời gian dài nằm ở mức 130.000 đồng/kg, hiện nay, giá ốc hương tiếp tục lao dốc, thương lái đang đặt giá 60.000 – 70.000 đồng/kg ốc đẹp, con to.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có hơn 660 ha ao đìa nuôi ốc hương thương phẩm, tập trung chủ yếu tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh, với tổng sản lượng ốc thương phẩm khoảng 1.600 tấn. Từ đầu năm đến nay, đầu ra gặp khó, giá ốc hương giảm sâu đã khiến người nuôi lỗ nặng. Do đó, nhiều hộ đã quyết định dừng nuôi hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác như: tôm, cá mú, cá chẽm…
Trao đổi với một số vựa chuyên thu mua ốc hương tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh được biết: Phần lớn ốc hương thương thẩm được thu mua xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Hiện nay, con đường này bị thắt chặt nên ốc hương ùn ứ, không xuất khẩu được, kéo theo giá ốc giảm sâu. Một số vựa xuất khẩu theo đường này đã bị nhà chức trách Trung Quốc bắt, xử phạt rất nặng nên không ai dám mạo hiểm. Bây giờ, muốn xuất ốc hương sang thị trường Trung Quốc phải đi đường chính ngạch, yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, chất lượng, hồ sơ… trong khi việc nuôi, thu mua, xuất khẩu ốc hương sang Trung Quốc lâu nay chưa chú trọng vấn đề này. Ngoài ốc hương, 2 mặt hàng khác của Khánh Hòa cũng chịu ảnh hưởng lớn từ việc thay đổi này là tôm hùm và xoài.
Cần sự liên kết
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu trong khi người nuôi thủy sản không nắm bắt được thông tin nên bị động, một số vùng nuôi vẫn còn tình trạng nuôi không đúng quy hoạch nên gặp khó trong việc cấp mã số vùng nuôi, các sản phẩm thủy sản nuôi chưa đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên khó tiếp cận thị trường. Đối với doanh nghiệp (DN) thu mua, xuất khẩu thủy sản lâu nay vẫn quen với đường xuất khẩu tiểu ngạch nên khi có thay đổi về biểu mẫu, nhãn hàng hóa… thì không kịp thích ứng. Sản lượng các mặt hàng thủy sản xuất sang Trung Quốc sụt giảm, ốc hương, tôm hùm ứ đọng ngay tại các vùng nuôi.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 50 DN chuyên thu mua các loại thủy sản như ốc hương, tôm hùm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để hỗ trợ DN, ngành chức năng đã hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục theo quy định để xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc được thuận lợi. Hiện nay, trên địa bàn có 3 DN được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (mã code xuất khẩu) để xuất khẩu ốc hương, danh sách đã được gửi sang phía Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, các DN này vẫn chưa có tên trong danh sách các DN được phép xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; chưa có lô hàng ốc hương nào được xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Từ những thay đổi của thị trường nhập khẩu và hướng đến xuất khẩu thủy sản bền vững, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên trách phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản đúng quy hoạch, đăng ký mã số vùng nuôi. Một biện pháp khác được chú trọng là xây dựng, nhân rộng các chuỗi cung cấp thực phẩm thủy sản an toàn, hình thành các vùng sản xuất được chứng nhận VietGAP để đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu. Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, sẽ xây dựng các chuỗi giá trị có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân; các sản phẩm sản xuất theo chuỗi sẽ được hỗ trợ xây dựng, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc điện tử…
Để xây dựng được các chuỗi liên kết, vấn đề đặt ra trước mắt là các địa phương cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch đã được duyệt; trong quá trình nuôi cần tuân thủ các quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những yếu tố then chốt để cấp mã số vùng nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản an toàn.
Hải Lăng
Theo Báo Khánh Hòa
Bình luận gần đây