BioMar tìm cách củng cố vị thế trong ngành tôm toàn cầu

Bắt tay hợp tác

BioMar đưa ra tuyên bố củng cố vị thế trong ngành tôm toàn cầu sau khi BioMar và Tập đoàn Việt – Úc, nhà sản xuất tôm giống hàng đầu Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ liên quan đến ý định của BioMar trở thành đồng sở hữu và quản lý vận hành nhà máy thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của Việt – Úc. Thỏa thuận này chưa có giá trị pháp lý, nghĩa là hai công ty có thể tập trung vào khám phá thêm các khả năng khác, trong một thỏa thuận ngoại lệ, trước khi xác nhận chính thức.

Các công ty đang tìm cách thiết lập mối quan hệ đối tác phát triển và sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam. BioMar cho biết, Việt – Úc là một trong những nhà sản xuất tôm giống lớn nhất thế giới với mục tiêu xây dựng một tập đoàn thủy sản khép kín. Tập đoàn BioMar sẽ mang đến năng lực phát triển TĂCN, dựa trên các hiểu biết sâu rộng về R&D và thị trường cho liên minh này.

Carlos Diaz nói: “Chúng tôi tin rằng sự hợp tác về lĩnh vực TĂCN với Việt – Úc tại Việt Nam sẽ mang lại sự hợp lực quan trọng cho ngành kinh doanh TĂCN cũng như sản xuất giống và nuôi tôm của Việt – Úc. Cả hai công ty đều có mục tiêu chung là tính bền vững, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chất lượng và hiệu quả, mà chúng tôi tin sẽ là các động lực mạnh mẽ để thúc đẩy và phát triển của cả hai công ty cũng như ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam”.

BioMar cũng đã tham gia vào sản xuất thức ăn cho tôm tại Nam và Trung Mỹ – hiện có các nhà máy tại Ecuador và Costa Rica và Trung tâm Công nghệ nuôi trồng thủy sản tại Ecuador dành riêng cho tôm. Việc hướng tới Đông Nam Á, theo lập luận, sẽ củng cố vị trí BioMar trong ngành tôm quốc tế.

 

Mở khóa tiềm năng

Theo báo cáo được công bố tháng 8/2019 của Tập đoàn tư vấn Boston: “Cách tiếp cận chiến lược đối với sản xuất tôm bền vững ở Việt Nam” thì ngành tôm Việt Nam phải có hành động tức thì để theo kịp các đối thủ cạnh tranh đang phát triển nhanh.

Việt Nam, đứng sau Trung Quốc và Thái Lan, từng là nước sản xuất tôm lớn thứ 3 thế giới, nhưng các nước như Ấn Độ, Indonesia và Ecuador đã vượt qua Việt Nam về năng suất. Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm lớn thứ 5 thế giới, với thị phần khoảng 11% và sản lượng tôm ước tính chỉ tăng khoảng 2% trong năm 2019, theo các tác giả báo cáo.

Việt Nam đã phát triển một mô hình kinh doanh mạnh về xuất khẩu, họ nhận định. Các nước khác như Ấn Độ, xuất khẩu tôm nguyên liệu sang Việt Nam để chế biến sâu hơn và tái xuất. Mô hình này đã thành công trong nhiều năm, nhưng khiến việc truy xuất nguồn gốc trở nên khó khăn và tạo ra sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước khác.

Chính phủ Việt Nam gần đây đã phát triển một kế hoạch về mở rộng xuất khẩu tôm và hỗ trợ các phương pháp nuôi tôm bền vững. Để đạt các mục tiêu này, các nhà sản xuất tôm cần có những thay đổi lớn về vận hành, theo các tác giả báo cáo. Các nhà sản xuất tôm Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi trong ngắn hạn để cải thiện hệ thống hiện nay và tăng hệ số biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT), nhưng những thay đổi này chỉ là các biện pháp tình thế.

Các phương pháp nuôi mới và cải tiến, bao gồm thức ăn chức năng kích thích sinh trưởng và sức khỏe của tôm, cũng như các hệ thống xử lý để cải thiện chất lượng nước đang nổi lên. Các phương pháp này có thể tăng cường hiệu quả nuôi và EBIT lên khoảng 40% trong thời gian tới và có thể cải thiện an toàn sinh học ở các trang trại riêng lẻ, báo cáo cho biết. “Tuy nhiên, những thay đổi ngắn hạn này không giải quyết các rủi ro trong mô hình kinh doanh hiện nay của ngành tôm Việt Nam – cũng không giúp ngành này hướng đến sự bền vững. Để mở khóa tiềm năng của ngành công nghiệp tôm Việt Nam thì việc thúc đẩy năng suất, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và bảo tồn nguồn lực là những vấn đề cấp thiết đối với các nhà sản xuất tôm Việt Nam”, các tác giả báo cáo viết.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *