Luồng gió mới trong xuất khẩu thủy sản
Tăng trưởng tích cực
Trong tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 6,5% so tháng 7/2020 và tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD, là mức tăng cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. Trong vòng 1 tháng (1/8 – 31/8), các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may…
Tháng 8/2020, Việt Nam ước xuất siêu 3,5 tỷ USD; tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 11,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,1 tỷ USD. Đối với ngành thủy sản, chỉ trong nửa đầu tháng 8/2020, số lượng đơn hàng tính riêng tại thị trường châu Âu đã tăng khoảng 10% so tháng 7/2020; chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lợi thế của Việt Nam là tôm và mực. Ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu sẽ đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, nhiều yếu tố tích cực đối với ngành thủy sản có khả năng xảy ra trong quý IV/2020, qua đó hỗ trợ giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cá tra và tôm. Các yếu tố này bao gồm: Xuất khẩu cá tra đảo chiều tăng trưởng dương; xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng khi nhu cầu ở các thị trường hồi phục và các đối thủ cạnh tranh tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch. Ngoài ra, các khoản đầu tư nâng cấp vùng nuôi hiện tại không chỉ cho phép các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe hơn về quy tắc xuất xứ, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường mà còn tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện tính chu kỳ của xuất khẩu trong giai đoạn tới.
Tôm, cá ngừ sớm hưởng lợi
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 7/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so tháng 7/2019. Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8/2020 ước tăng khoảng 20% so cùng kỳ năm trước. Các nhà chuyên môn đánh giá, ngành thủy sản Việt Nam nhất là mặt hàng tôm đang có những lợi thế so với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định sản xuất nhanh hơn sau COVID-19, song để có thành quả đột biến là điều không dễ dàng, do xu hướng tiêu thụ trong thời dịch thiên về các mặt hàng chế biến sâu. Để chiếm lĩnh thị phần này, đòi hỏi cần thời gian và công nghệ. Đối với thị trường EU, rõ ràng dù áp dụng chính sách EVFTA rộng cửa thị trường, ngành thủy sản cũng sẽ cần những đổi mới về công nghệ chế biến. Các doanh nghiệp thủy sản đã có những lô hàng đầu tiên xuất đi châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực.
Theo Sở Công thương Sóc Trăng, trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh đạt khoảng 500 triệu USD, tăng 17% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mạnh vào EU. Cùng đó, từ đầu năm đến nay số lượng công nhân của KCN An Nghiệp (Sóc Trăng) tăng trên 2.000, nâng tổng số lên 15.000 công nhân, chủ yếu là tăng tại các nhà máy chế biến tôm.
Cùng với tôm thì mặt hàng cá ngừ cũng đang có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU khi EVFTA được thực thi. Theo VASEP, trong khi xuất khẩu thủy sản tháng 8 vẫn tiếp tục đà suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì xuất cá ngừ vào EU đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Đức, Italy và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU. Trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường này đều tăng trưởng ấn tượng ở mức ba con số lần lượt là 119%, 200% và 210%.
Trong tháng 8, các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS0304) của Việt Nam nhập khẩu vào EU đã được xóa bỏ thuế quan. Theo phân bổ hạn ngạch, từ 1/8 – 31/12/2020 gần 4.800 tấn các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng được miễn thuế. Do đó, các doanh nghiệp châu Âu đồng loạt nhập khẩu cá ngừ trong tháng 7/2020 để nhận được mức ưu đãi thuế khi các lô hàng về tới châu Âu vào tháng 8/2020 (thời gian vận chuyển đường biển khoảng 3 tuần). Đặc biệt, nhóm mặt hàng cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS0304) xuất vào châu Âu tăng mạnh nhất trong tháng 7/2020, tăng 2,607% so tháng 7/2019.
Cờ đã đến tay doanh nghiệp
Theo ước tính của VASEP, xuất khẩu thủy sản vào EU sẽ tăng trưởng 20% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020. Thực tế các tỉnh ở ĐBSCL cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực, các nhà máy sản xuất chế biến xuất khẩu vào EU đều có sự tăng trưởng từ các hợp đồng xuất khẩu và mức tăng khoảng 10%. Có thể nói EVFTA tạo ra sự khác biệt rõ nét trong xuất khẩu trong hoàn cảnh đại dịch thế kỷ COVID-19 hoành hành. Dự báo những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản vào EU chắc chắn sẽ khởi sắc và tăng mạnh do Việt Nam hưởng lợi ích thuế suất từ Hiệp định.
Tuy nhiên, quan trọng làm thế nào để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với thông tin thị trường từ EU là điều mà các nhà quản lý và doanh nghiệp quan tâm. Bởi theo các chuyên gia, để được hưởng mức miễn giảm thuế quan ưu đãi vào thị trường hơn 500 triệu dân này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng phải đáp ứng các quy tắc, hàng rào kỹ thuật trong thương mại và một trong những vấn đề cốt lõi là giải bài toán về xuất xứ nguồn nguyên liệu.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Đồng thời, cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm nguồn nguyên liệu, bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác.
>> Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết xuất xứ hàng hóa ngoài là “visa” vào thị trường EU thì cũng tạo thuận lợi cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được ưu đãi về thuế, tăng sức cạnh tranh hơn với các nước khác. |
Nguyễn Anh
Bình luận gần đây