Nguyên liệu tôm cuối năm có thiếu?
Khó đạt kế hoạch
Tại Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ năm nay được bắt đầu từ ngày 20/1 và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 30/9, nhưng hết tuần đầu tháng 9, toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi trên 39.000 ha, đạt 78,4% kế hoạch và bằng 72,8% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, sản lượng tôm năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. “Trước đây, thường tỷ lệ giữa diện tích ao nuôi/ao lắng là 7/3 hoặc 6/4, còn hiện tại, tỷ lệ này 3/7, thậm chí chỉ là 2/8. Đây là sự thay đổi mang ý nghĩa tích cực, không chỉ giúp tăng tỷ lệ thành công mà còn tăng năng suất tôm nuôi. Vì vậy, dù diện tích nuôi thực tế có thấp hơn nhưng bù lại sản lượng vẫn tăng”, ông Huỳnh Ngọc Nhã nhấn mạnh.
Khác với Sóc Trăng, 3 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn trong khu vực ĐBSCL là: Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang đến thời điểm này hầu hết đều đã đạt diện tích thả nuôi theo kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn diện tích nuôi tôm của 3 tỉnh trên là nuôi quảng canh, tôm – lúa, tôm – rừng hay quảng canh cải tiến. Theo dự báo, sản lượng tôm của 3 tỉnh này sẽ tăng so với vụ nuôi năm 2019, nhưng vẫn khó đạt kế hoạch.
Tại Kiên Giang, tính đến hết tháng 8, toàn tỉnh thả gần 128.500 ha tôm nước lợ, đạt 98% kế hoạch và tăng 2,24% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi công nghiệp là 2.940 ha, quảng canh cải tiến gần 28.000 ha, tôm – lúa gần 98.000 ha. Tổng sản tôm nuôi đã thu hoạch của tỉnh ước 66.570 tấn, tăng 12% so cùng kỳ nhưng mới đạt 78,3% kế hoạch. Tương tự, Cà Mau cũng thả nuôi đạt theo kế hoạch, nhưng theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, sản lượng tôm nuôi năm nay dự báo sẽ thấp hơn khoảng 10% so kế hoạch.
Tôm lên giá trở lại
Từ trung tuần tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ cỡ lớn đã tăng trở lại, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tôm thẻ loại 20 con/kg từ mức 170.000 đồng/kg đã tăng lên mức 180.000 – 185.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg đang có giá 145.000 – 148.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg giá 122.000 – 125.000 đồng/kg; loại 50 con/kg là 106.000 – 109.000 đồng/kg. Trái ngược với tôm thẻ cỡ lớn, tôm thẻ cỡ 60 con/kg về nhỏ hiện có giá khá thấp. Cụ thể, loại 60 con/kg giá chỉ 94.000 – 97.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 91.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000 – 74.000 đồng/kg. Riêng tại Bạc Liêu và Cà Mau, giá thấp hơn 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy cỡ. Về nguyên nhân giá tôm thẻ cỡ nhỏ không tăng, các doanh nghiệp cho rằng, chủ yếu là do sức tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch COVID-19 và tình trạng thiên tai, bão lũ.
Hiện nay, thời tiết bắt đầu vào giai đoạn cực đoan: mưa bão nhiều, nhiệt độ, độ mặn giảm… cùng với đó là bệnh đốm trắng và nhất là bệnh do vi bảo tử trùng, nên có rất ít người dân dám thả nuôi.
Là doanh ngiệp sở hữu vùng nuôi 150 ha; trong đó có 238 ao nuôi theo quy trình hiện đại, nhưng theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, dù đã xử lý nước rất kỹ nhưng dịch bệnh do vi bào tử trùng vẫn xảy ra tại trại nuôi của Công ty. Với tình hình trên, ông Phục nhận định: “Qua lễ Đôn Ta của người Khmer (tức cuối tháng 9) giá tôm sẽ tăng lại với 2 lý do: Thứ nhất là nguồn cung tôm giảm vì đã vào cuối vụ và áp lực giao hàng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm cao. Những nhà máy có hợp đồng lớn nhiều khả năng sẽ phát sinh thiếu nguyên liệu”.
Tình hình thiếu nguyên liệu còn được các doanh nghiệp dự báo sẽ kéo dài sang tận những tháng đầu năm 2021; do hiện tại có rất ít diện tích tiếp tục thả tôm và dự báo mùa lạnh năm nay sẽ đến sớm, nền nhiệt độ thấp hơn, việc thả nuôi sớm cũng sẽ rất hạn chế vì rủi ro cao.
An Xuyên
Bình luận gần đây