Xuất khẩu thuỷ sản trước nhiều quy định mới

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thuỷ sản

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một “kế hoạch khử trùng phòng ngừa toàn diện” đối với thực phẩm và thủy sản đông lạnh nhập khẩu sau khi nước này cho rằng đây là những nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 ở Thanh Đảo và Thiên Tân.

Theo đó, chuỗi truy xuất nguồn gốc nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, xếp dỡ, lưu kho, buôn bán nội địa và xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sẽ được kiểm tra. Tất cả sản phẩm thủy sản đông lạnh phải có báo cáo khử trùng và hun trùng cùng với các tài liệu truy xuất nguồn gốc trước khi được tiêu thụ.

Cán bộ phụ trách sẽ mở các container để kiểm tra tình trạng lô hàng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, thực phẩm đông lạnh sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, sản phẩm vẫn phải được khử trùng bên ngoài bao bì và container.

Công ty cung cấp dịch vụ cho thuê kho lạnh cần ghi lại số kẹp chì niêm phong của hàng hóa, container và cần lưu giữ những tài liệu này trong “ít nhất” 2 năm. Giấy chứng nhận khử trùng phải đi kèm với thực phẩm xuất xưởng từ cảng theo chuỗi cung ứng.

Liên quan đến các biện pháp siết chặt kiểm tra thuỷ sản nhập khẩu của Trung Quốc có tác động đến thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam hay không, trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP cho biết, Trung Quốc nhập khẩu thuỷ sản từ rất nhiều nước, việc siết chặt nhập khẩu mặt hàng này để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 trước đó cũng đã được áp dụng tại nước này.

“Thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các quy định trên của Trung Quốc. Có chăng bị ảnh hưởng chút ít về thời gian thông quan hàng hoá do phát sinh thêm ở khâu kiểm tra đầu vào”- ông Trương Đình Hoè nhấn mạnh.

Tăng trưởng xuất khẩu sang EU

Thông tin Ủy ban châu Âu (EC) sẽ áp thuế 25% hàng hóa Mỹ với giá trị gần 4 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng thủy sản – sò điệp và cá hồi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đông lạnh và hun khói – với giá trị tổng cộng 61,4 triệu USD (Dựa trên giá trị các mặt hàng XK sang EU trong năm 2019) đang được các doanh nghiệp quan tâm.

Thông báo thuế quan mới nhất được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ứng cử viên Joe Biden được truyền thông Mỹ loan tin là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. EU đã trì hoãn việc áp thuế kể từ khi phán quyết được đưa ra ngày 13/10/2020, EU không muốn thông báo trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo chia sẻ của Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hoè, thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU đang phục hồi tích cực nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

Hiệp định EVFTA đã giúp thuế nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào EU giảm ngay từ mức 4,2% về 0% và thuế nhập khẩu tôm chế biến giảm dần từ 7% về 0% trong 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, thuế nhập khẩu của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan vẫn duy trì ở mức từ 4% đến 20% tùy quốc gia. Đây là một trong những lợi thế chính giúp mặt hàng tôm nói riêng và thuỷ sản Việt Nam nói chung rộng đường vào EU.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU tăng. Chỉ tính riêng trong 3 quý đầu năm, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang EU tăng nhẹ 3% đạt 46 triệu USD, chiếm 64% tổng trị giá XK.

Theo Tổng thư ký VASEP, hiện nay đang vào mùa cuối năm, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất, xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết với các đối tác nước ngoài phục vụ cho mùa giáng sinh và tết Dương lịch sắp tới.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *