Ngao Việt Nam có “VISA VIP” để chinh phục thị trường thế giới
Nghề nuôi ngao/nghêu (Meretrix Lyrata) có nguồn gốc từ ĐBSCL, đã được nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và đưa vào phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển nước ta. Đến nay, nghề này đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, sản lượng nuôi cũng như mức độ thâm canh, vươn lên trở thành một trong 4 ngành thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Lễ công bố chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretrix Lytara
Tuy nhiên, ngành ngao thời gian qua cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và những yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu với hệ thống chứng nhận dày đặc. Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, đặt ra yêu cầu phải phát triển bền vững, sản xuất theo hướng đạt được các chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và thúc đẩy các chương trình, dự án tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành ngao Việt Nam.
Xác định ngao là mặt hàng chủ lực, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cùng các hộ nuôi ngao trong tỉnh triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Nam Ðịnh – Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam”… nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu cho ngành ngao Nam Ðịnh nói riêng và ngao Việt Nam nói chung.
Ông Sofiane Ainseur, Phụ trách Control Union khu vực miền Bắc Việt Nam, đại diện đơn vị thẩm định trao chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata
Sau hơn một năm nỗ lực, đến tháng 5/2020, “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” ở xã Nam Ðiền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với quy mô 500 ha, sản lượng 10.000 tấn là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata. Thành quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần định danh sản phẩm ngao Việt Nam trên trường quốc tế, được ví như “VISA VIP” để sản phẩm ngao Việt Nam đi vào nhiều thị trường, giúp thương hiệu ngao Việt Nam bay cao, bay xa trên bầu trời hội nhập.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh, chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao Nam Ðịnh cho thấy trình độ nuôi trồng, sản xuất, chế biến ngao của Việt Nam không thua kém quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của các nước trên thế giới. Với chứng nhận ASC, sản phẩm ngao của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất đi nhiều quốc gia. Ðây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng tại Việt Nam cũng như ở tỉnh Nam Ðịnh phát triển lên một tầm cao mới. Song điều này cũng đặt ra thách thức, trách nhiệm không nhỏ đối với các cơ sở nuôi ngao, đó là phải thay đổi tư duy, phương thức nuôi trồng truyền thống, nhỏ lẻ, tự phát sang xây dựng, quy hoạch vùng sản xuất lớn, liên kết sản xuất, áp dụng các quy chuẩn an toàn theo đúng quy định của quốc gia, quốc tế. Ðối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải giám sát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất ngao như: Chất lượng con giống, quy trình chăm sóc, đánh bắt, chế biến, bảo quản, đặc biệt là chú ý đến chất lượng môi trường nuôi để đảm bảo các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo tỉnh Nam Định thăm nhà máy chế biến ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh Nguyễn Phùng Hoan cho biết, hiện nay vùng nuôi ngao của tỉnh vẫn còn khoảng 3.000 ha ở hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng có khả năng đáp ứng yêu cầu của ASC… Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, chế biến ngao xuất khẩu và chứng nhận ASC đối với các vùng nuôi ngao khác trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu các địa phương có vùng nuôi ngao cần có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp về địa phương phối hợp cùng với người dân liên kết sản xuất ngao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.
Bình luận gần đây