Chế biến nâng cao giá trị

Nhìn lại chục năm qua, ngành thủy sản hội nhập sớm và sâu rộng thị trường quốc tế. Xuất khẩu năm 2010 chỉ trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đến nay trên 170, giá trị từ 5 tỷ USD, đến năm 2019 gần 8,6 tỷ USD và năm 2020 đại dịch COVID-19 nhưng cũng giữ được vị trí thứ 3 về xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. “Dù cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong thời gian qua, nhưng xu hướng biến động của giá xuất khẩu bình quân lại theo hướng ngược lại là giảm dần”, báo cáo của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản.

Một số nguyên nhân chính là chất lượng nguyên liệu, sản phẩm thủy sản chế biến còn thấp, tính cạnh tranh kém, luôn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo ATTP.

Thống kê của các doanh nghiệp chế biến tại ĐBSCL, mới 14,6% chủ động được nguyên liệu. Phần lớn nguyên liệu do thương lái cung cấp với 67,5% sản lượng, còn lại là các hộ và trang trại liên kết. Khá nhất là cá tra mới khoảng 70% doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, tiếp theo là tôm được 15 – 20%, các mặt hàng khác dưới 10%. Kém nhất là chế biến hải sản, hầu hết do các vựa và nhập khẩu, rất ít doanh nghiệp chế biến có đầu tư đội tàu khai thác. Tỷ lệ tổn thất trong khai thác hải sản lại cao, khoảng 20%.

Tổng số cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu cả nước hiện nay là 784, gồm 644 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh; còn lại chế biến đồ hộp, hàng khô, nước mắm và mắm các loại, dịch vụ kho lạnh. Trong 644 cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu, hơn 300 cơ sở chế biến tôm, gần 200 cơ sở chế biến hải sản, khoảng 130 cơ sở chế biến cá tra. Bên cạnh là 3.280 cơ sở/hộ gia đình chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa. Tổng công suất chế biến theo thiết kế một năm khoảng 3 triệu tấn sản phẩm, thực tế hoạt động 70% công suất.

Đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản: Chế biến xuất khẩu, công nghệ phần lớn cũ và lạc hậu, hệ số đổi mới thiết bị trung bình mỗi năm 7%, chỉ bằng 1/2 – 1/3 các nước khác. Cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa hơn 90% thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ.

 Sản xuất cơ bản là manh mún, nhỏ lẻ; thiếu hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, cá tra fillet đông lạnh vẫn chiếm 90%, tôm giá trị gia tăng cũng chỉ đạt 30 – 40%. Kết quả là năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, hạn chế khả năng cạnh tranh dẫn đến giá xuất khẩu liên tục đi xuống.

Dự báo của FAO, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản trên thế giới dùng làm thực phẩm tăng liên tục với tốc độ bình quân hàng năm 2,1%/năm. Trong tổng lượng tăng, có 46% do tăng dân số, còn lại do kinh tế phát triển và nhân tố khác. Thị hiếu tiêu thụ chuyển sang thủy sản tươi sống, có giá trị cao, tiện dụng và đặc biệt ATTP không ngừng tăng lên. Thủy sản nước ta còn có cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Ngọc Duyên

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *