Xuất khẩu cá ngừ vượt khó
Đà tăng trưởng bị ảnh hưởng
COVID-19 xảy ra suốt gần 2 năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều tới ngành thủy sản nói chung và ngành cá ngừ nói riêng. Song, nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự phấn đấu vươn lên trong quá trình xây dựng thương hiệu mà lĩnh vực khai thác, chế biến xuất khẩu cá ngừ vẫn tạo ra đà tăng trưởng đáng chú ý.
Đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng trưởng tốt, dù đại dịch vẫn chuyển biến phức tạp trên toàn cầu. Trong 4 tháng, xuất khẩu được 226 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, xuất khẩu cá ngừ gặp những khó khăn đáng kể. Tháng 7, xuất khẩu chỉ đạt 65 triệu USD, chỉ tăng 1,7% so cùng kỳ 2020.
Các chuyên gia cho biết, xuất khẩu cá ngừ trên thị trường thế giới đang trong giai đoạn nhiều thử thách. Các thị trường ghi nhận xu hướng tăng trưởng không đáng kể, thậm chí giảm sâu; cùng đó, khó khăn đến từ chi phí sản xuất chế biến tăng, trong khi giá bán sản phẩm trên thị trường tăng không đáng kể. Một trong những thị trường chính của cá ngừ Việt Nam là EU cũng ghi nhận sự sụt giảm trong 7 tháng đầu năm tới 21% so cùng kỳ.
5
Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại nhiều thị trường đang có xu hướng hồi phục trở lại, là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh
Với mặt hàng cá ngừ, vấn đề được quan tâm ngày càng nhiều là việc các thị trường ngày càng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc cũng như trách nhiệm xã hội lên sản phẩm cá ngừ. Thị trường Tây Ban Nha đã có kế hoạch dán nhãn AENOR (nhãn của Hiệp hội Tiêu chuẩn hóa và Chứng nhận Tây Ban Nha) về trách nhiệm xã hội lên các lô hàng cá ngừ nhập khẩu, thực hiện song song với 9 tiêu chí về truy xuất nguồn gốc cá ngừ nhập khẩu vào châu Âu.
Việc hạn chế di chuyển tối đa, giúp khống chế tốt sự lây lan của dịch, song chi phí cho sản xuất tăng và sản lượng ảnh hưởng. Nhiều nhà máy thậm chí ngừng sản xuất, nhiều nhà máy chỉ hoạt động ở một mức độ vừa phải, cầm chừng. Sản lượng khai thác cá ngừ của Bình Định trong tháng 7/2021 ước đạt 500 tấn, giảm khá nhiều so tháng 6.2021 (sản lượng cá ngừ đại dương khoảng 1.584 tấn). Sản lượng cá ngừ đại dương (loại mắt to vây vàng từ 30 kg/con trở lên) khai thác được trong 7 tháng đầu năm 2021 của cả nước ước đạt 11.723 tấn (giảm 7,7%). Trong đó, sản lượng của Bình Định đạt 7.418 tấn (giảm 4,5%), Khánh Hòa đạt 1.860 tấn (giảm 7%).
Nhiều giải pháp đồng bộ
Bộ NN&PTNT và các Sở, Ban, ngành đã có nhiều cuộc họp hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản, trong đó có ngành đánh bắt, chế biến xuất khẩu cá ngừ. Đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, lúc này rất cần những gói hỗ trợ từ Chính phủ với ngành thủy sản, trong đó có cá ngừ. Các nhà máy đang hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu, song chi phí tăng mạnh. Việc ưu tiên tiêm vaccine cho ngư dân, các thuyền viên, công nhân ngành chế biến cá ngừ cũng được kiến nghị. Rõ ràng, việc khai thác trên biển dài ngày, việc phòng, chống COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu, tránh đứt gãy khâu khai thác.
Một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong những tháng giãn cách nghiêm ngặt vừa qua, ngay việc đến trụ sở làm việc của chúng tôi cũng rất khó rồi, nói gì đến tổ chức xuất khẩu. Ai cũng đồng lòng chống dịch và ưu tiên bảo vệ tính mạng con người lên hàng đầu. Song, nếu tình hình này còn kéo dài thì rất dễ dẫn tới việc các doanh nghiệp đánh mất khách hàng và thị trường của mình cho các đối thủ từ các quốc gia khác”.
Do vậy, khi dịch bệnh nguy cơ kéo dài, rất khó để sản xuất cầm chừng kiểu chờ đợi, “chờ hết dịch hãy làm”, vì nguy cơ đứt gãy các công đoạn nuôi trồng, xuất khẩu là rất lớn. Các doanh nghiệp, địa phương đã và đang cố gắng chủ động duy trì và đẩy mạnh khai thác, xuất khẩu cá ngừ với phương châm an toàn, khoa học và hiệu quả. Cần phải thực hiện mục tiêu kép, vừa chiến thắng dịch vừa chiến thắng trong nuôi trồng, xuất khẩu.
Nguyễn Anh
Bình luận gần đây