Nỗ lực chặng đường cuối năm

Tín hiệu phục hồi

Báo cáo của VASEP về tình hình xuất khẩu thủy sản cho thấy, sau khi sụt giảm sâu trong 2 tháng liên tiếp do giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19, với việc nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại tại các địa phương để phục hồi sản xuất, kết quả xuất khẩu thủy sản đến hết tháng 10/2021 đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%, trong đó tôm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,6%, cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ đạt 598 triệu USD, tăng 10%, mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD, tăng 4,5%, các loại cá khác giảm gần 1% đạt 1,36 tỷ USD. Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.

Trong top các thị trường nhập khẩu hàng đầu thủy sản của Việt Nam thì Mỹ chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ; Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Trung Quốc và EU đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD, giảm 24% và 864 triệu USD, tăng 7% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%.

Theo VASEP, đối với mặt hàng cá tra, các doanh nghiệp đã nỗ lực giữ được mức phát triển tương đương với cùng kỳ năm 2020 bởi sự biến động lớn do dịch COVID-19 khiến người nuôi khó thu hoạch, cá phát triển quá kích cỡ xuất khẩu dẫn đến khó bán, khó thu hồi vốn, ảnh hưởng đến việc thả cá, xoay vòng sản xuất… Chính vì vậy, sản phẩm cá tra xuất khẩu trong tháng 10/2021 chỉ đạt 139 triệu USD, giảm 18% so cùng kỳ năm 2020. Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam, Công ty CP Nam Việt cho biết, các đơn hàng đang dồi dào và dự kiến lấp đầy công suất đến quý I/2022; đặc biệt, các đơn hàng đều được ký với giá cao. Để duy trì hoạt động sản xuất mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vaccine phòng COVID-19 sẽ là yếu tố quyết định. Vì vậy, Nam Việt đang nỗ lực đảm bảo cho toàn bộ người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo quy định. Đây sẽ là tiền đề tạo bứt phá cho doanh nghiệp.

Về nhóm hàng tôm, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu COVID-19 và các dịp lễ cuối năm đang tới gần. Nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Mỹ cũng tăng mạnh từ đầu năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ sẽ khó duy trì được trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu để chế biến, tạo cơ hội cho tôm Việt Nam. Trong khi, tại thị trường EU, lượng tôm dự trữ đang ở mức thấp, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gia tăng từ nay đến hết tháng 11 để phục vụ cho các mùa lễ hội cuối năm. Cùng đó, Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.

Một trong những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh khác của Việt Nam chính là cá ngừ, các doanh nghiệp nhóm hàng này cũng đang tích cực nỗ lực để tăng tốc về đích trong những tháng cuối năm này. Như chia sẻ của bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco), năm 2021 Công ty được giao kế hoạch thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 65 triệu USD và tính đến hết tháng 9 đã thực hiện được 50 triệu USD. Suốt 5 tháng nay, 3 nhà máy chế biến thủy sản của Bidifisco đều thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, hơn 1.000 công nhân bám trụ nhà máy để làm việc, không ai về nhà. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Bidifisco chủ yếu là cá ngừ đại dương, loại cá này chiếm đến 80% trong tổng lượng hàng xuất khẩu hàng năm của Công ty; trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 50%, EU chiếm 40%, còn lại được xuất sang Trung Đông.

Vẫn còn không ít trở ngại

Theo các công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản tại tỉnh Bình Thuận, nguồn nguyên liệu đầu vào đã giảm 50% so trước thời điểm chưa có dịch. Nguyên liệu trong tỉnh thiếu hụt, nhiều công ty phải mua nguyên liệu từ nhiều tỉnh, thành khác như Ninh Thuận, Vũng Tàu, Nha Trang… với chi phí tăng cao nhưng cũng rất khó khăn. Như đại diện Công ty TNHH Thủy hải sản HaiWang cho biết, Công ty hiện có 4 kho lạnh trong Cảng cá Phan Thiết với công suất 350 tấn và 1 kho lạnh trong KCN Phan Thiết với công suất 1.000 tấn. Tuy nhiên, mùa cá Nam năm nay, doanh nghiệp nhập vào chỉ có 2 – 3 tấn/ngày, giảm 50% so trước và dự báo tháng cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu tươi cho đơn hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, nếu để mất khách hàng, mất thị trường thì phải 3 – 5 năm nữa mới có thể khôi phục lại, thậm chí là mất luôn mà không khôi phục lại được. Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, tháng cuối năm nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác sẽ giảm 30 – 40% do vào mùa thấp điểm khai thác thủy sản; từ nuôi trồng như tôm, cá… sẽ thiếu từ 20 – 30%, trong khi giá nguyên liệu sẽ tăng 10 – 20%, khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ rơi cảnh bù lỗ.

Cùng với vấn đề nguyên liệu, tình hình dịch COVID-19 tại một số tỉnh miền Tây đang có dấu hiệu gia tăng, số ca F0 tại các nhà máy thủy sản tăng cao. Như tại tỉnh Bạc Liêu, ngày 7/11, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết tình hình dịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi phát hiện thêm nhiều ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng liên quan đến hàng loạt công ty thủy sản.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, chỉ khi nào kiểm soát dịch tốt doanh nghiệp mới an tâm tập trung khôi phục sản xuất, nhất là thời điểm cuối năm các doanh nghiệp thủy sản cần tăng tốc để trả nợ các đơn hàng cũng như ký thêm các đơn hàng mới. Do đó, điều khẩn thiết lúc này là kiến nghị tăng cung cấp thêm vaccine về miền Tây để người lao động trong các nhà máy được tiêm đủ 2 mũi.

>> Nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất, chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh khu vực ĐBSCL tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch COVID.

Hồng Hạnh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *