5 quốc gia xuất khẩu tôm dẫn đầu thế giới
Ecuador
Nếu năm 2021 Ecuador tuyên bố danh hiệu nhà sản xuất tôm lớn nhất toàn cầu về sản lượng thì năm 2021 là năm đánh dấu nước này lần đầu tiên đạt được giá trị xuất khẩu cao nhất trên thế giới, sau khi tăng cường năng lực chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo số liệu mới nhất nhất từ Cơ quan NTTS Quốc gia Ecuador (CNA), trong 11 tháng đầu năm 2021, Ecuador xuất khẩu 4,54 tỷ USD mặt hàng TTCT, tăng 34% so cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là tăng 81% giá trị tại thị trường Mỹ.
Ông Robins McIntosh, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn C.P Foods, cho biết sau khi mất khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với tôm nguyên con vào năm 2020 và việc cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm soát hải quan, Ecuador đã bắt đầu quay trở lại mô hình xuất khẩu ban đầu là “30/30/30”, tức là xuất khẩu 30% sang châu Á, 30% sang Mỹ và 30% sang châu Âu.
“Khi thị trường Trung Quốc xuất hiện vào những năm 2000, đây là một thị trường “béo bở”. Quốc gia này đưa ra mức giá cao, phù hợp với nhu cầu, số lượng lớn và không cần nhiều công đoạn chế biến. Vì vậy, Ecuador đã tăng sản lượng sản xuất và rút ngắn được quá trình chế biến. Nhưng hiện nay, Ecuador đang có xu hướng quay trở lại mô hình 30/30/30, và đó thực sự là một mô hình tuyệt vời để thực hiện. Ecuador có nguyên liệu và đang tạo ra nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Thay vì chỉ vận chuyển hàng loạt đến Trung Quốc, Ecuador sẽ chuyển sang các gói bán lẻ có thể phân phối qua nhiều kênh khác”, ông McIntosh nói.
Một nhà máy chế biến tôm tại Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Ấn Độ
Mất vị trí “cường quốc” xuất khẩu tôm vào tay Ecuador, Ấn Độ năm 2021 về vị trí “á quân” với ước đạt hơn 4 tỷ USD. Tính đến tháng 10/2021, nước này đã xuất khẩu sang Mỹ 280.324 tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, dẫn đầu thị phần tại Mỹ. Ấn Độ cũng đã xuất khẩu 368.713 USD ngành hàng tôm sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm. Tại Nhật Bản, quốc gia này đã mang về 307.529 USD trong 10 tháng đầu năm.
Đặc biệt, trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh tại Ấn Độ hồi tháng 4 và 5, xuất khẩu tôm dường như không bị ảnh hưởng với mức tăng trưởng mạnh lần lượt 80% và 32% so cùng kỳ năm 2020, tăng 34% và 19% so cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang quay trở lại sản xuất tôm sú nhiều hơn, dự kiến năm 2022, sản lượng tôm sú nước này sẽ tăng trưởng 2 con số, vào khoảng 70.000 – 80.000 tấn.
Việt Nam
Xuất khẩu tôm năm 2021 mang về khoảng 3,9 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới sau Ecuador và Ấn Độ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi các tỉnh phía Nam bị làn sóng COVID-19 càn quét, nhiều doanh nghiệp tôm phải thu hẹp hoạt động và có không ít doanh nghiệp bị tạm ngưng do không đáp ứng “3 tại chỗ”, nhưng phần đông doanh nghiệp vẫn kịp thời thích ứng và xử lý đơn hàng.
Điểm sáng của thị trường Việt Nam là chuỗi giá trị ngành tôm duy trì tốt, chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng tôm không bị đứt gãy. Đây là nền tảng hết sức căn bản cho việc phục hồi năm tới.
Thái Lan
Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Thái Lan tăng 8,6% đạt gần 1,3 tỷ USD. Trong đó, tôm nước ấm đông lạnh chiếm gần 40% đạt 508 triệu USD, tôm chế biến chiếm 31% đạt 398 triệu USD. Hai sản phẩm tôm chủ lực này tăng lần lượt 7,7% và 10,5% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, riêng trong tháng 10, trong khi mặt hàng tôm đông lạnh tăng mạnh 51% đạt trên 82 triệu USD, thì tôm chế biến giảm 15% đạt gần 45 triệu USD.
Xuất khẩu tôm của Thái Lan sang thị trường Mỹ giảm 6,3% trong tháng 10 và lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 2,3%, đạt 404 triệu USD. Tuy nhiên, tại các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… thì xuất khẩu tôm đều tăng so cùng kỳ năm 2020. Thị trường lớn nhất của Thái Lan là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm lần lượt 31%, 24% và 16,6% thị phần.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, khối lượng xuất khẩu tôm của nước này dự kiến tăng 10% trong năm 2022. Năm 2021, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt 160.000 tấn tôm, tăng 7% so năm 2020. Về giá trị, tôm Thái Lan năm nay dự kiến tăng 11% đạt hơn 1,4 tỷ USD. Sự tăng trưởng nhờ vào nhu cầu tăng cao hơn từ Trung Quốc và Nhật Bản sau khi đại dịch bớt căng thẳng và do sự giảm giá của đồng tiền nước này trong năm 2021.
Indonesia
Xuất khẩu tôm Indonesia trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm khoảng cách khá xa so với 2,1 tỷ USD của cả năm 2020. Các điểm đến chính của ngành tôm nước này là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Chính phủ nước này mới đây đã khởi động một số chương trình nhằm thúc đẩy sản lượng NTTS theo hướng thâm canh và mở rộng diện tích nuôi trồng bao gồm cả ao nuôi tôm. Chính phủ Indonesia cũng đang phát triển chương trình đầu tư cho ngành tôm trị giá 352 triệu USD và nước này đặt mục tiêu đạt sản lượng 2 triệu tấn tôm/năm.
Xuất khẩu thủy sản của Indonesia có xu hướng tăng và nước này nằm trong nhóm các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Indonesia vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về cải tiến công nghệ, xử lý bệnh trên tôm.
Khởi động từ năm 2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa Indonesia và EU (IEU CEPA) đã trải qua 11 vòng đàm phán với vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra vào tháng 9/2021 và EU cam kết sẽ ký Hiệp định này trong thời gian sớm nhất. Hiệp định này dự kiến sẽ giúp tăng xuất khẩu thủy sản của Indonesia sang EU, trong đó có tôm và hỗ trợ phát triển ngành NTTS và khai thác của quốc gia này.
Hải Phong
Bình luận gần đây