Xuất khẩu thủy sản Việt gặp khó tại Nga

Doanh nghiệp “dính đòn” chiến sự

Nằm trong top 10 công ty xuất khẩu thủy sản sang Nga năm 2021, nhưng thời điểm này Công ty CP Chế biến Thủy sản XNK Kiên Cường đang tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường này. Ông Đoàn Hoàng Chiến, Giám đốc Công ty cho biết, lo ngại những rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến các khâu vận chuyển hàng hóa, chứng từ, thanh toán… nên Kiên Cường tạm ngưng xuất khẩu sang Nga. Hiện thị trường Nga đang chiếm khoảng 30% tổng thị phần xuất khẩu của Kiên Cường, nếu trong thời gian tới tình hình chưa ổn định chắc phải chuyển hướng sang thị trường khác. Khi được hỏi việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có ảnh hưởng tới việc thanh toán của đối tác cho các đơn hàng đã xuất trước đó, ông Chiến cho biết các đơn hàng cũ đều xuất trước Tết nên việc thanh toán cũng đã hoàn tất. 

Cùng chung khó khăn này, Công ty CP Sài Gòn Tâm Tâm chuyên xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sang Nga và Ukraine cũng đang phải tạm ngưng xuất khẩu. Theo đại diện Công ty, hiện các hãng vận tải đang ngừng nhận hàng đi hai quốc gia này nên hàng sản xuất rồi phải để vào kho. Đây là 2 thị trường chính của Công ty nên việc chuyển hướng thị trường rất khó, chỉ biết chờ cuộc xung đột này nhanh kết thúc để mọi việc trở lại bình thường. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, xung đột Nga – Ukraine càng đẩy doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt vào tình thế khó khăn hơn. Ảnh:  Gia Bảo

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng RUB đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 RUB đổi 1 USD trong ngày 1/3. Đồng RUB mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không đơn giản. Trước tình thế này, hiện các doanh nghiệp tạm ngưng ký kết các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác. 

Cũng là mặt hàng thủy sản có thế mạnh tại thị trường Nga, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của các doanh nghiệp thủy sản Việt hiện cũng đang trong thế bí. Bởi, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina nổ ra, một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu cá ngừ sang cả 2 nước nói trên đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng. Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gẫy. Các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác. Hiện giá của hầu hết các loại dầu thực vật đều tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 1/2022, trong khi các nhà chế biến cá ngừ đóng hộp đang phải đối mặt với giá dầu hướng dương tăng cao chưa từng có. Mà giá dầu hướng dương bị đẩy lên cao sẽ đẩy chi phí sản xuất cá ngừ đóng hộp/túi tăng theo.

Nga và Ukraina là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, do đó nếu cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina tiếp tục leo thang, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cá ngừ.

Giải pháp gỡ khó

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, trước hết về khâu thanh toán, với các đơn hàng cũ, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác đang cùng tìm cách giải quyết. Song với những lô hàng đang trên đường tới Nga, các doanh nghiệp phải tính toán xem có thể đi tiếp hay không, nếu không thể buộc phải quay đầu tuy có thiệt hại nhưng vẫn giữ được hàng. Còn với những lô hàng đã sản xuất chưa thể xuất khẩu, doanh nghiệp phải tạm ngưng chờ diễn biến tình hình. Điều này ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặt khác, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc gửi chứng từ sang Nga đang kẹt do ngân hàng trong nước không dám nhận, vì thế có những đơn hàng đang vận chuyển nhưng chứng từ chưa gửi được. Quay đầu hay chuyển hướng là bài toán nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc. Trước tình hình này, Bộ Công thương đã có khuyến cáo tới các hiệp hội và doanh nghiệp, lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán, đặc biệt đối với các hợp đồng thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng). Bộ khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng. Với đơn hàng trị giá nhỏ, có thể thanh toán qua kênh KFT do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng. Qua 5 năm triển khai, hệ thống KFT đã hoạt động ổn định, có khả năng phục vụ tốt hoạt động thanh toán song phương giữa 2 nước.

Vân Anh

>> Hiện tại, trước tình hình xung đột Nga – Ukraine giá cước theo đó tăng tiếp chưa biết khi nào dừng. Cùng với giá cước vận chuyển tăng, nhiều nhóm nguyên vật liệu đầu vào cũng đang trong xu thế tăng giá, trong khi giá bán đầu ra không thể tăng ngay vì sức mua người tiêu dùng tại hầu hết quốc gia vẫn còn thấp. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp thủy sản càng phải gồng mình với gánh nặng chi phí

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *