Gỡ khó trong xuất khẩu hải sản
Giá trị rất khả quan
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cả nước có khoảng 350 cơ sở quy mô công nghiệp tham gia chế biến hải sản với tổng công suất thiết kế lên đến gần 2,0 triệu tấn sản phẩm/năm (công suất thực tế trung bình chỉ đạt 40 – 50%). Chủ yếu là cơ sở chế biến đông lạnh và hàng khô, chiếm gần 90% tổng số cơ sở.
Năm 2021, xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam vẫn đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2020. Trong đó, các sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao là cá biển các loại (trừ cá ngừ), cá ngừ, mực, bạch tuộc và cua ghẹ. Đóng góp đáng kể trong thành quả xuất khẩu này, một phần khá lớn nguyên liệu chế biến là từ nguồn nhập ngoại. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu trên 1,97 tỷ USD thủy sản, tăng 12,8% so với năm 2020 để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và gia công, chế biến xuất khẩu, trong đó, sản lượng nguyên liệu hải sản nhập khẩu không nhỏ. Thị trường nhập khẩu chính của doanh nghiệp chế biến hải sản chủ yếu là từ các nước Ấn Độ, Na Uy, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Chilê…
Hiện nay, các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu trong nước tập trung chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang… Tại các nhà máy đều được trang bị công nghệ và thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn là hiện đa số các nhà máy chế biến surimi từ cá biển chưa đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ chế biến các sản phẩm mô phỏng (giả tôm, giả cua…) nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm surimi, chủ yếu chế biến surimi thô với sản lượng lớn.
Xuất khẩu hải sản khai thác đạt 565 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2022. Ảnh: LHV
Nhìn rõ thách thức
Hiện nay, lĩnh vực hải sản có nhiều thuận lợi để phát triển, cả trong hoạt động sản xuất trên biển lẫn chế biến xuất khẩu. Phải kể đến là việc bước đầu ứng dụng các phương pháp đánh bắt, bảo quản sau thu hoạch tiên tiến, nâng cao chất lượng, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật và nước nhập khẩu. Năng lực, chất lượng nhà máy chế biến cao, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Nhà nước có các chính sách quan tâm đối với ngành khai thác hải sản.
Thêm nữa, các chương trình hợp tác quốc tế, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ cao cấp tại các nước. Các Hiệp định Thương mại tự do là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ của các sản phẩm hải sản Việt Nam. Cùng đó, thói quen tiêu dùng của người dân trong nước dần thay đổi, từ ăn tươi sang các sản phẩm chế biến, đông lạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú và tiện dụng. Các kênh phân phối, tiêu thụ trong nước ngày càng được mở rộng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cần khắc phục. Đầu tiên là việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động khai thác, bảo quản hải sản diễn ra manh mún, chưa đồng bộ. Tính liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu còn thấp. Chủ yếu phụ thuộc vào nậu vựa điều phối. Thêm nữa là khó khăn về nguyên liệu khi sản lượng khai thác ngày càng giảm, chi phí khai thác ngày một tăng lên. Trong đó, nổi cộm nhất hiện nay là giá xăng dầu tăng quá cao đã khiến cho chi phí mỗi chuyến biển của ngư dân đội lên rất mạnh, ăn mòn vào lợi nhuận của tàu cá. Vậy nên, tại nhiều tỉnh, thành ven biển, tình trạng tàu cá nằm bờ ngày càng dài, đặc biệt là tàu cá hoạt động ở vùng khơi.
Công nghệ bảo quản sau đánh bắt vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Vũ Mưa
Giải pháp xoay chuyển
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 2/2022, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam đạt 219,6 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm này đạt 565 triệu USD, tăng 33% so cùng kỳ và chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Xuất khẩu hải sản của Việt Nam bao gồm các nhóm sản phẩm: cá các loại khác (trừ cá ngừ, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam); cá ngừ (chiếm 27%); mực, bạch tuộc (17%); cua, ghẹ và giáp xác khác (6%); nhuyễn thể hai mảnh vỏ (3%) và còn lại là nhuyễn thể khác (trừ mực bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ).
Cũng theo dự kiến của VASEP, xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong quý đầu này vẫn duy trì tăng trưởng dương 2 con số. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), giá cước vận tải, giá xăng dầu, chi phí đầu vào sản xuất tăng… đã và đang là những thách thức mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản phải đối mặt.
Để tháo gỡ những khó khăn nội tại, theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cần xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí phân loại chất lượng nguyên liệu và hình thành cơ chế đấu giá nhằm minh bạch hóa chất lượng và giá bán, tạo động lực cho ngư dân đầu tư, áp dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; đầu tư, nâng cấp các cơ sở chế biến, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, nâng cao sức cạch tranh, hiệu quả kinh tế; đáp ứng yêu cầu của thị trường; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Chú trọng phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên phụ liệu thủy sản; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học phục vụ các ngành thực phẩm và phi thực phẩm; tổ chức xây dựng hệ thống logistics kết nối chặt chẽ giữa khai thác, thu mua, chế biến với nhà phân phối thủy sản…
Về thị trường, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các thị trường trọng điểm, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chính. Cùng đó, chủ động ứng phó và đấu tranh với những rào cản thương nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp; tiếp tục phổ biến các quy định, yêu cầu, cam kết quốc tế và các Hiệp định thương mại cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, phát triển thị trường trong nước, xây dựng các mô hình phát triển các sản phẩm thủy sản truyền thống, thủy đặc sản và OCOP theo chuỗi liên kết; phát triển các sản phẩm mang thương hiệu có uy tín, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu và phát triển du lịch làng nghề…
>> Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, những năm gần đây, tổng sản lượng khai thác hải sản sản liên tục gia tăng (năm 2000 đạt 1,66 triệu tấn; năm 2005 là 1,98 triệu tấn; năm 2010 đạt 2,22 triệu tấn; năm 2015 đạt 2,87 triệu tấn và năm 2019 là 3,58 triệu tấn), đóng góp rất lớn và sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm.
Phan Thảo
Bình luận gần đây