Quý I/2022, xuất khẩu cua, ghẹ tăng cao kỷ lục

Trong đó, 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cua, ghẹ của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp, chiếm hơn 91% tổng giá trị xuất khẩu.

Tại thị trường Trung Quốc, sau khi sụt giảm trong năm 2021, xuất khẩu cua, ghẹ sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng cao liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong quý I/2022 đạt hơn 20 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao là do các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã thích nghi tốt với chính sách “Zero COVID” của quốc gia này. Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu cua, ghẹ lớn nhất của Việt Nam.

Ảnh: ST

Tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu cua, ghẹ của Việt Nam cũng đang tiếp tục tăng trưởng trong quý I/2022. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường này đạt gần 19 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Nhật Bản hiện đang là nước nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam trong khối thị trường tham gia Hiệp định CPTPP và cũng là nước duy trì được sự tăng trưởng nhập khẩu cua ghẹ liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu cua, ghẹ sang Australia và Singapore lại có sự sụt giảm liên tục trong quý này.

Tại khối thị trường EU, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam cũng phục hồi sau khi sụt giảm vào năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường trong khối không ổn định. Pháp hiện đang là thị trường nhập khẩu cua, ghẹ lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 1,7 triệu USD, tăng 38%. Các doanh nghiệp xuất khẩu cua của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cua đến từ Anh, Na Uy, Madagascar, Trung Quốc, Indonesia. Ngoài ra, các sản phẩm cạnh tranh với cua trên thị trường này còn có tôm hùm và surimi.

Tại Mỹ, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng liên tục trong quý I/2022. Giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt gần 19 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ. Mỹ đã mở cửa hoàn toàn trở lại đã giúp nhu cầu tiêu thụ cua, ghẹ tăng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển đường biển tăng cũng đẩy giá xuất khẩu tăng lên.

Nhập khẩu cua vào Mỹ trong quý đầu năm nay sụt giảm, chủ yếu do ảnh hưởng của lệnh cấm nhập khẩu thủy sản gồm cua từ Nga, hiện chiếm 30% tổng nhập khẩu cua tuyết và chiếm 90% tổng nhập khẩu cua huỳnh đế của Mỹ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cua của Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này để duy trì xuất khẩu sang Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm nay, Mỹ giảm 9% lượng nhập khẩu cua huỳnh đế đỏ đông lạnh của Nga với 3.403 tấn. Riêng trong tháng 3/2022, Mỹ nhập khẩu 257 tấn cua tuyết từ Nga, trị giá 5,8 triệu USD, giảm 86% về lượng và 84% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình An

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *