Nỗ lực giảm giá thành, giữ đà tăng trưởng
Xu thế cá tra
Cá tra đã và đang là một mặt hàng xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng rất cao. Xu thế nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân. Cá tra Việt Nam đang chi phối tới 95% nguồn thịt cá trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng đầu của năm. Kim ngạch cá tra sang Trung Quốc tăng gấp hơn 200% so cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 500 triệu USD, chiếm 29%; xuất khẩu cá tra sang Mỹ chiếm 25% với 428 triệu USD, tăng 90%.
Nếu như năm 2021, xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt hơn 106 triệu USD, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam thì tính đến giữa tháng 7, xuất khẩu sang EU đạt gần 122 triệu USD, tăng tới 91% so cùng kỳ năm ngoái và vượt kim ngạch cả năm 2021. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Hà Lan tăng 72% (chiếm 30% xuất khẩu cá tra sang EU); Đức tăng 107% (chiếm 12%), Tây Ban Nha tăng 75% (chiếm gần 10%), Bỉ tăng 92% (chiếm 9,7%) và Italy tăng 90%…
Cá tra Việt Nam hiện đang “trỗi dậy” tại thị trường EU. Ảnh: Vũ Sinh
Các cơ quan chức năng và các nhà phân tích thị trường đều cho rằng việc cá tra Việt Nam “trỗi dậy” tại châu Âu một phần là do nguồn cung cá thịt trắng từ Nga sang châu Âu bị hạn chế do xung đột Nga và Ukraine diễn ra. Bên cạnh đó, giá cả hợp lý và việc sản phẩm được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do giúp sản phẩm cá tra Việt Nam đang thống trị thị trường thế giới.
Hiệp định CPTPP cũng mở ra cánh cửa tiêu thụ cá tra một cách thuận lợi, tính riêng 7 tháng năm 2022, khối thị trường các nước CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị 211,4 triệu USD, tăng 73% so cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu TTCT tăng, tôm sú gặp khó
Trong bối cảnh chiến tranh, lạm phát tại nhiều quốc gia, việc xuất khẩu tôm vào các thị trường khó tính là bài toán không dễ dàng.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm đạt cao đỉnh điểm 456 triệu USD vào tháng 5, tới tháng 8 thì chỉ còn 356 triệu USD, tuy vậy vẫn cao hơn 26% so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu TTCT đạt 285 triệu USD, tăng 32%; xuất khẩu tôm sú đạt 47 triệu USD, giảm gần 7%.
Giá dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng làm giá thành tôm xuất khẩu sang Mỹ ảnh hưởng đáng kể. Chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ từ mức 4.000 – 5.000 USD/container (40 feet) tăng thêm 4 – 5 lần. Xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Mỹ đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 8/2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 33%. Chắc chắn lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia, cộng với chi phí vận chuyển làm giá thành tôm tăng cao khiến tôm Việt Nam khó tiêu thụ tại Mỹ.
Tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Á
Giá nhiên liệu tăng cao, gây ra tình trạng “Khó người, khó ta”. Nếu hàng hóa thủy sản từ Việt Nam xuất đi châu Mỹ chi phí tăng cao thì chiều ngược lại, các sản phẩm từ châu Mỹ cũng gặp bất lợi khi vận chuyển đến châu Á. Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Việt Nam “lấy quãng đường ngắn để bù đắp cho giá thành cao”.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đã chạm mốc 1 tỷ USD, tăng đến 71% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều doanh nghiệp đã có các hợp đồng xuất khẩu hết năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 231 triệu USD, tăng 38% so cùng kỳ năm ngoái. Giá TTCT đông lạnh từ Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc dao động 8,8 – 9,2 USD/kg, tăng gần 1 USD/kg. Hàn Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu TTCT lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần 45%, trong khi tôm Ecuador là 7%. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong tháng 8/2022 đạt hơn 67 triệu USD và tăng trưởng tới 120% cùng kỳ. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, tôm Việt sang xuất thị trường Nhật đạt 463 triệu USD, tăng 21%.
Cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu đầu năm 2023
Rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hậu quả của cuộc chiến tại châu Âu và xung đột tại nhiều quốc gia, việc đồng USD mất giá, lạm phát… không thể giải quyết một sớm một chiều và hệ lụy của nó sẽ kéo dài sang năm 2023.
Gorjan Nikolik, Chuyên gia của Rabobank lo ngại dấu hiệu suy thoái kinh tế đã bắt đầu ở châu Âu và Mỹ. Nguồn cung cá hồi giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, ở mức 6%. Chắc chắn kinh tế đình trệ, lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, do chiến tranh tại châu Âu và dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp ở Trung Quốc nên các thị trường này vẫn chưa thể khôi phục được NTTS, do vậy nhu cầu nhập khẩu vẫn rất lớn trong thời gian tới.
Hiện nay, ghi nhận từ các vùng nuôi cho thấy, giá tôm nguyên liệu đang có xu hướng tăng vì nhu cầu của các nhà máy vẫn rất lớn. TTCT loại 20 con/kg đang có giá 225.000 đồng, 25 con/kg giá 185.000 đồng, tăng từ 5.000 – 20.000 đồng/kg so đầu tháng 9/2022. Tôm size lớn hiện rất khan hàng và nhiều doanh nghiệp buộc phải thu mua tôm size nhỏ hơn rất nhiều.
Thế nhưng từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp cho biết, áp lực cho hợp đồng xuất khẩu không quá căng thẳng do tình hình lạm phát toàn cầu nên dự báo sức tiêu thụ khó như kỳ vọng. Theo các doanh nghiệp ngành hàng tôm ở ĐBSCL, thị trường tôm xuất khẩu đang chịu tác động mạnh bởi nguồn cung lớn từ Ấn Độ và Ecuador. Đây là hai cường quốc nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng cao. Hiện, loại tôm tươi lột vỏ từ Ecuador đóng hàng rời đang lấn sân sang thị trường Mỹ với lợi thế đường biển gần, chi phí vận tải biển thấp, từ 500 – 4.000 USD/container (CTN). Trong khi hàng thủy sản xuất từ châu Á xuất qua Mỹ chi phí vận chuyển tăng cao hơn gấp 3 – 4 lần.
Để tiếp tục đà tăng trưởng và đối phó với tình trạng lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới có thể xảy ra, các doanh nghiệp nói riêng và ngành thủy sản nói chung đang nỗ lực giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tăng cường xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng (thuận lợi hơn trong bảo quản, vận chuyển). Các doanh nghiệp cũng rất cần những chính sách hỗ trợ xuất khẩu kịp thời với các thị trường có chi phí vận chuyển cao, đặc biệt là thị trường Mỹ, để không đánh mất các thị trường quan trọng vào tay các đối thủ.
>> Tổng cục Thủy sản đánh giá, thách thức lớn nhất của xuất khẩu thủy sản cuối năm là đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Điều này đang được các doanh nghiệp nỗ lực xây dựng để khách hàng chấp nhận chi trả mức giá cao hơn thay vì bán được nhiều sản phẩm với giá rẻ. Theo Tổng cục trưởng Trần Đình Luân, việc chúng ta nắm bắt, điều chỉnh một cách linh hoạt để tranh thủ cơ hội thị trường, điều chỉnh giá bán, mua để đáp ứng được sản xuất trong nước nhưng mục tiêu là nhà nhập khẩu bán được hàng, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng năm 2022 và các năm tiếp theo.
Nguyễn Anh
Bình luận gần đây