Dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng chậm

Tăng trưởng mạnh trong năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2021, tăng 22,2% so kế hoạch. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1 – 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2021; Cá tra đạt 2,35 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. 

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh so năm 2021, mặc dù Trung Quốc áp dụng chiến lược “Zero COVID” trong cả năm, nhưng các doanh nghiệp đã quen và đáp ứng được các yêu cầu kiểm dịch của nước này. 

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 đạt 476,8 nghìn tấn, trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 61,2% về giá trị so năm 2021. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tháng cuối năm giảm do dịch COVID-19 tại nước này bùng phát sau quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. 

Năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực sang Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh so năm 2021. Cụ thể, cá tra tăng 30,1% về lượng và tăng 59,8% về giá trị; Tôm các loại tăng 33,2% về lượng và tăng 76,6% về giá trị; Cá khô tăng 71,4% về lượng và tăng 80,8% về giá trị; Mực các loại tăng 27% về lượng và tăng 49% về giá trị. 

Vẫn là thị trường tiềm năng

Mới đây, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hệ thống CIFER, thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt, bổ sung thêm 23 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào nước này. Như vậy, lũy kế đến đầu năm 2023, hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ghi nhận 802 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang nước này.

Năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chậm lại, đặc biệt trong nửa đầu năm. Mặc dù hầu hết người dân Trung Quốc đã thích ứng với COVID-19, nhưng nhu cầu dự kiến vẫn thấp do dịch bệnh kéo dài 3 năm khiến thu nhập của hầu hết các hộ gia đình giảm. 

Ngày 8/1/2023, Cơ quan Quốc gia về Quy định thị trường của Trung Quốc đã chính thức ngừng xét nghiệm và khử trùng COVID-19 đối với thực phẩm đông lạnh và ướp lạnh. Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng đã ngừng xét nghiệm COVID-19 đối với các lô hàng đông lạnh và ướp lạnh đến các cảng của nước này. Nhờ đó, chi phí nhập khẩu thủy sản đông lạnh và ướp lạnh vào Trung Quốc sẽ giảm so với trước đây

Trong nửa cuối năm 2023, việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phát huy tác dụng, kinh tế phục hồi khả quan hơn, thu nhập của người dân tăng sẽ hỗ trợ tiêu dùng thủy sản. Do đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nửa cuối năm 2023 sẽ khả quan hơn so với nửa đầu năm.

Dữ liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, mức tiêu thụ thủy sản của nước này đã tăng từ 11,5 kg bình quân đầu người năm 1990 lên 25,4 kg năm 2004 và ước đạt 35,9 kg trong năm 2021, tương đương khoảng 52 triệu tấn. Dự đoán giai đoạn 2022 – 2023 tiêu thụ thủy sản sẽ tăng lên khoảng 39 – 40 kg/người (58 triệu tấn với dân số 1,5 tỷ người), tới năm 2028 sẽ ở mức 44 kg/người (64 triệu tấn).

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. 

Hải Băng – Bình An

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *